Lớp 10

Thuyết minh về tác giả Trương Hán Siêu

Đề bài: Thuyết minh về tác giả Trương Hán Siêu

Thuyết minh về tác giả Trương Hán Siêu

I. Dàn ý Thuyết minh về tác giả Trương Hán Siêu (Chuẩn)

1. Mở bài:

Giới thiệu khái quát về Trương Hán Siêu

2. Thân bài:

a. Cuộc đời:

– Trương Hán Siêu chưa rõ năm sinh, mất năm 1354, tên chữ là Thăng Phủ, hiệu là Đôn Tẩu.
– Quê quán: làng Phúc Am, huyện Yên Ninh, lộ Trường Yên, thuộc thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình ngày nay.
– Trương Hán Siêu xuất thân là môn khách của Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, ông trực tiếp tham gia hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần 2 (năm 1285) và lần 3 (năm 1287).
– Tính tình:cương trực, thẳng thắn.
– Học vấn: sâu rộng, uyên thâm.

b. Sự nghiệp chính trị:

– Năm 1308,Trương Hán Siêu được vua Trần Anh Tông phong làm Hàn lâm học sĩ.
– Sáu năm sau (năm 1314) ông giữ chức Hành khiển do vua Trần Minh Tông phong vị.
– Năm 1339, đời vua Trần Hiến Tông, Trương Hán Siêu được phong giữ chức Hữu ty lang trung.
– Đến năm 1342, ông làm Tả ty lang trung, Kinh lược sứ tại Lạng Giang, sau đó chuyển làm Tả gián nghị đại phu, Tham tri chính sự dưới đời vua Trần Dụ Tông.

c. Sự nghiệp văn chương:

– Về thơ ca: hiện còn 7 bài thơ:
+ Cúc hoa bách vịnh (còn 4 bài)
+ Dục Thuý sơn (Núi Dục Thuý)
+ Hoá Châu tác (Thơ làm ở Hóa Châu)
+ Quá Tống đô (Qua kinh đô nhà Tống).

– Về văn xuôi: 2 bài
+ Khai Nghiêm tự bi ký
+ Dục Thuý sơn linh tế tháp ký

– Bạch Đằng giang phú là tác phẩm tiêu biểu nhất của Trương Hán Siêu.

3. Kết bài:

Cảm nghĩ về tác giả Trương Hán Siêu

II. Bài văn mẫu Thuyết minh về tác giả Trương Hán Siêu (Chuẩn)

Văn học trung đại ghi dấu với tên tuổi của nhiều tác giả lớn như Nguyễn Du, Nguyễn Bỉnh Khiêm hay Nguyễn Trãi,… Mỗi tác giả đều để lại cho riêng mình những dấu ấn riêng với những phong cách nổi bật, góp phần xây dựng nền văn học nước nhà thêm phong phú, giàu đẹp. Đặc biệt, không thể không nhắc đến Trương Hán Siêu, một tác giả văn học đời Trần.

Trương Hán Siêu chưa rõ năm sinh, mất năm 1354, tên chữ là Thăng Phủ, hiệu là Đôn Tẩu. Ông sinh ra tại làng Phúc Am, huyện Yên Ninh, lộ Trường Yên thuộc thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình ngày nay. Theo sử sách ghi chép, Trương Hán Siêu xuất thân là môn khách của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Ông trực tiếp tham gia hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần 2 (năm 1285) và lần 3 (năm 1287). Trong hai cuộc chiến, ông lập được nhiều công trạng, được quần thần trọng dụng, tin tưởng.

Là một người có tính tình cương trực, thẳng thắn, cùng với vốn học vấn sâu rộng, uyên thâm, Trương Hán Siêu đã khẳng định mình trên con đường quan lộ, được vua Trần tôn kính gọi là thầy. Trong sự nghiệp chính trị, Trương Hán Siêu từng làm quan trong khoảng thời gian dài, xuyên suốt 4 đời vua Trần. Ông đã đem hết tài năng tâm huyết của bản thân ra phục vụ non sông đất nước, chăm lo cho hạnh phúc nhân dân. Năm 1308,Trương Hán Siêu được vua Trần Anh Tông phong làm Hàn lâm học sĩ. Sáu năm sau (năm 1314), ông giữ chức Hành khiển do vua Trần Minh Tông phong vị. Năm 1339, đời vua Trần Hiến Tông, Trương Hán Siêu được phong giữ chức Hữu ty lang trung. Đến năm 1342, ông làm Tả ty lang trung kiêm Kinh lược sứ tại Lạng Giang, sau đó chuyển làm Tả gián nghị đại phu, Tham tri chính sự dưới đời vua Trần Dụ Tông. Một thời gian sau, Trương Hán Siêu cáo bệnh xin nghỉ, mất trên đường về quê, được Trần Nghệ Tông truy tặng Thái phó, thờ tự ở Văn Miếu (Thăng Long, Hà Nội ngày nay). Trong Đại Việt sử ký toàn thư, Phan Phu Tiên từng nhận xét về Trương Hán Siêu: “Bậc danh nho các đời có bài trừ được dị đoan, truyền giữ được đạo thống thì mới được tòng tự ở Văn Miếu, thế là để tỏ rõ đạo học có ngọn nguồn. Nghệ Tông cho Chu An, Trương Hán Siêu được dự vào đó, thì Hán Siêu là người cứng cỏi, bài xích đạo Phật, an sửa mình trong sạch, bền giữ khí tiết, không cầu hiển đạt.”

Là người có học vấn rộng với một trái tim giàu lòng yêu nước, Trương Hán Siêu đã để lại cho thế hệ sau những tác phẩm văn chương có giá trị. Về thơ ca, hiện nay còn lưu lại 7 bài thơ đặc sắc: Cúc hoa bách vịnh (4 bài), Dục Thuý sơn (Núi Dục Thuý), Hoá Châu tác (Thơ làm ở Hóa Châu), Quá Tống đô (Qua kinh đô nhà Tống). Về văn xuôi, có hai bài được viết bằng chữ Hán là Khai Nghiêm tự bi ký và Dục Thuý sơn linh tế tháp ký. Thể phú có tác phẩm Bạch Đằng giang phú nổi bật, được xem là kiệt tác văn chương bất hủ của dân tộc. Ngoài ra, Trương Hán Siêu còn là tác giả của các bài tế, tự bi văn như Linh tế tháp ký (bài ký tháp Linh Tế) hay Quang nghiêm tự bi văn (bài văn bia chùa Quang Nghiêm). Các tác phẩm này chủ yếu phê phán Phật giáo và đề cao Nho học.

Trương Hán Siêu cùng với Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Minh Không, Lý Quốc Sự, Lương Văn Tuỵ là những người gốc Ninh Bình tài giỏi, được nhân dân đời sau tự hào, tôn vinh. Ngày nay, tại chân núi Non Nước, thành phố Ninh Bình, người dân lập đền thờ Trương Hán Siêu với tấm lòng “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ vị anh hùng có công với dân tộc. Hàng năm tại đây cũng diễn ra lễ trao học bổng cho các học sinh có thành tích học tập tốt tại tỉnh Ninh Bình.

Gần mười thế kỷ trôi qua nhưng văn chương và tấm lòng, nhân cách sáng ngời của Trương Hán Siêu vẫn còn mãi với thời gian. Những áng văn mẫu mực mang tinh thần thời đại của ông là cảm hứng yêu nước cho bao thế hệ trẻ học tập và phát huy.

—————–HẾT—————-

Sau khi tham khảo xong bài Thuyết minh về tác giả Trương Hán Siêu, các em có thể tìm hiểu thêm những tác phẩm nổi bật trong sự nghiệp sáng tác của Trương Hán Siêu qua việc tham khảo: Thuyết minh bài thơ Phú Sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu, Thuyết minh về hình tượng nhân vật khách trong đoạn đầu bài Phú Sông Bạch Đằng, Phân tích cảm hứng yêu nước trong bài Phú sông Bạch Đằng, Phân tích bài Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu tại Thuthuat.Taimienphi.vn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button