Đề bài: Phân tích tội ác của giặc Minh trong Bình Ngô đại cáo
Phân tích tội ác của giặc Minh trong Bình Ngô đại cáo
I. Dàn ý Phân tích tội ác của giặc Minh trong Bình Ngô đại cáo (Chuẩn)
1. Mở bài:
– Nguyễn Trãi là nhà quân sự, nhà thơ tài năng có sự đóng góp to lớn cho văn hóa, văn học dân tộc.
– Bài cáo Bình Ngô đại cáo của ông được coi là bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc ta từ những năm 1428.
– Bài cáo thể hiện tư tưởng nhân nghĩa cũng như tố cáo tội ác của giặc Minh.
2. Thân bài:
a. Âm mưu xâm lược của quân giặc:
– Nguyễn Trãi đã dùng lời lẽ đanh thép để vạch trần âm mưu của quân giặc.
+ Năm 1400, họ Hồ cướp ngôi nhà Trần, lập nên nước Đại Ngu.
+ Trong hơn sáu năm nắm quyền, nhà Hồ thực hiện nhiều cải cách nhưng không được lòng dân.
+ Các quý tộc nhà Trần thừa cơ quấy phá, xuyên tạc khiến cho tình hình trong nước vô cùng phức tạp.
+ Trong tình thế ấy, giặc Minh đem quân xuống nước ta với khẩu hiệu “phù Trần diệt Hồ” nhưng mục đích là xâm chiếm nước ta.
– Với các từ ngữ như “nhân”, “thừa cơ” cùng lời văn của mình, Nguyễn Trãi đã vạch trần âm mưu “thừa nước đục thả câu” của quân đội phương Bắc đối với nước ta.
b. Tội ác của quân giặc:
– Giặc Minh đã gây nên những tội ác tày trời đối với nhân dân ta:
+ Đối xử với nhân dân ta như nô lệ, bức hại cả người lớn và trẻ nhỏ: “Nướng dân đen”, “vùi con đỏ”, nghĩ ra bao nhiêu kế sách dối trời, lừa dân.
+ Thiết lập bộ máy chính quyền cai trị tàn ác với thuế khoá nặng nề, phu phen, lao dịch,…
+ Ép dân ta xuống biển “mò ngọc trai”, “lên rừng tìm vàng”.
+ Bắt loài vật quý, đặt cạm bẫy nơi nơi.
=> Phá huỷ và tận diệt con người, môi trường, tất cả sự sống của dân tộc ta.
– Hậu quả:
+ Khiến dân ta phải bỏ mạng nơi biển sâu, rừng thiêng nước độc.
+ Nhân dân ta phải chịu cảnh tang tóc, đau thương, chia lìa: “Nheo nhóc thay kẻ goá bụa khốn cùng”.
+ Các nghề truyền thống “canh cửi” đành phải “đứt đoạn” vì “nặng nề những nỗi phu phen”.
– Những hành động tàn ác ấy của kẻ thù đã khiến cho Nguyễn Trãi vô cùng căm hận:
+ Sử dụng hàng loạt các từ ngữ chỉ sự khinh bỉ với kẻ thù như “thằng”, “đứa”.
+ Nghệ thuật liệt kê được Nguyễn Trãi sử dụng để miêu tả tường tận những tội ác của kẻ thù.
+ Nguyễn Trãi đã dùng những thứ vô hạn như “trúc Nam Sơn” hay “nước Đông Hải” để so sánh với tội ác của quân thù: tố cáo tội ác tày trời của chúng.
– Lời kết tội đanh thép: “Lẽ nào trời đất dung tha/ Ai bảo thần nhân chịu được?”.
=> Tội ác của quân Minh đã vượt qua giới hạn, khiến cho con người và cả trời đất đều không thể dung thứ cho hành động của chúng.
c. Đánh giá chung:
– Giá trị nội dung: Diễn tả âm mưu cũng như tội ác dã man của quân Minh đối với người dân nước ta cũng như lòng căm thù của nhà thơ dành cho chúng.
– Giá trị nghệ thuật:
+ Giọng văn chính luận đanh thép và mạnh mẽ.
+ Lối văn biền ngẫu đối xứng, giàu hình ảnh liệt kê toàn bộ tội ác của giặc Minh.
+ Giọng thơ thay đổi linh hoạt tùy thuộc vào từng đoạn.
+ Biện pháp liệt kê, phóng đại có chọn lọc để cho chúng ta thấy rõ tội ác của kẻ thù.
3. Kết bài:
Khẳng định ý nghĩa của đoạn thơ: miêu tả tội ác của quân thù và lòng căm thù giặc sâu sắc.
II. Bài văn mẫu Phân tích tội ác của giặc Minh trong Bình Ngô đại cáo (Chuẩn)
Nguyễn Trãi là một nhà quân sự tài ba, đồng thời ông cũng là một nhà thơ rất tài năng với sự nghiệp văn thơ rất đồ sộ. Ông để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm có giá trị sâu sắc như Dư địa chí, Ức Trai thi tập, Quân trung từ mệnh tập,… Đặc biệt là tác phẩm Bình Ngô đại cáo – bài cáo được coi là bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc từ những năm 1428. Trong bài cáo của mình, Nguyễn Trãi không chỉ thể hiện rõ tư tưởng nhân nghĩa của dân tộc Đại Việt mà còn tố cáo mạnh mẽ tội ác của giặc Minh đối với đất nước ta.
Bình Ngô đại cáo được Nguyễn Trãi thừa lệnh của Lê Lợi viết để công bố cho toàn dân biết được sự thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trước bọn giặc phương Bắc. Trong hơn hai mươi năm giặc Minh đô hộ nước ta, từ 1407 đến 1427, chúng đã thiết lập bộ máy chính quyền hòng đồng hóa dân tộc ta, vơ vét sản vật của đất nước ta. Không chỉ vậy, chúng còn tạo ra nhiều thứ thuế vô lí, bóc lột sức lao động của nhân dân ta, cai trị đất nước ta bằng luật lệ “man rợ”. Vậy nên, ngay từ đoạn đầu tiên, Nguyễn Trãi đã nêu lên tư tưởng chính nghĩa của mình để lí giải cho công cuộc khởi nghĩa của quân Lam Sơn, để chứng minh cho sự đúng đắn của cuộc khởi nghĩa này. Ở đoạn thứ hai, Nguyễn Trãi lại một lần nữa dùng lời văn chính luận sắc sảo của mình để vạch trần âm mưu xâm lược của quân giặc cũng như tố cáo những tội ác tày trời của chúng.
Đọc những dòng đầu tiên của đoạn thứ hai trong Bình Ngô đại cáo, chúng ta có thể thấy Nguyễn Trãi đã dùng lời lẽ của mình để vạch trần âm mưu xảo trá của quân giặc, của lũ cướp nước và bán nước, rằng:
Nhân họ Hồ chính sự phiền hà,
Để trong nước lòng dân oán hận.
Quân cuồng Minh thừa cơ gây họa,
Bọn gian tà còn bán nước cầu vinh.
Năm 1400, nhân lúc họ Trần suy yếu, Hồ Quý Ly đã thâu tóm quyền lực, lập nên nước Đại Ngu. Trong những năm lên nắm quyền, Hồ Quý Ly đã ra sức cải cách cũng như thu phục lòng dân, nhưng những cải cách ấy lại chỉ khiến cho “lòng dân oán hận”. Không chỉ vậy, những quý tộc nhà Trần lưu vong lợi dụng lúc nhà Hồ rối ren đã thừa cơ xuyên tạc khiến cho tình hình chính trị của nước ta khi đó cực kì phức tạp, “chính sự” hết sức “phiền hà”. Chính vì tình hình trong nước đầy phức tạp, nhà Hồ không thể xử lí đã tạo điều kiện cho quân Minh đem quân tràn xuống nước ta với luận điệu xảo trá “phù Trần diệt Hồ” nhưng thực ra là để cướp nước ta. Nguyễn Trãi đã khéo léo đặt từ “nhân” ngay từ câu thơ đầu để cho thấy sự xảo trá của quân giặc khi tràn vào nước ta một cách ngông cuồng. Giặc Minh đã lợi dụng những mâu thuẫn trong nội bộ các tập đoàn phong kiến của Việt Nam khi đó để “mượn gió bẻ măng” hòng xâm chiếm đất nước ta. Chúng cùng với bọn “gian tà bán nước cầu vinh” lập nên bè lũ tàn phá nước ta, bức hại nhân dân ta. Tác giả cũng đã dùng từ “thừa cơ” để vạch trần luận điệu xảo trá cũng như bộ mặt “giả nhân nghĩa” của kẻ thù khi tiến quân vào đất nước ta.
Vạch trần được âm mưu của quân giặc, Nguyễn Trãi còn tiếp tục tố cáo những tội ác tày trời của giặc Minh. Chúng đối xử với nhân dân ta không khác gì những kẻ nô lệ, những thú vui, tiêu khiển.
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn,
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế,
Gây thù kết oán trải mấy mươi năm.
Câu thơ như một bằng chứng mạnh mẽ nhất cho tội ác phi nhân tính của giặc Minh. Chúng tra tấn, hành hạ, huỷ diệt giống nòi dân tộc ta vô tội, không chỉ là những người lớn mà cả trẻ nhỏ – “con đỏ” chúng cũng không tha. Tội ác của chúng thấm đẫm máu và nước mắt của con dân Đại Việt. Đó là bức tranh hiện thực đau đớn mà nhân dân ta đã phải trải qua trong “mấy mươi năm” chịu sự đô hộ của quân Minh xâm lược. Chúng đã “dối trời lừa dân”, đã “gây thù kết oán” với nhân dân Đại Việt ta.
Không chỉ vậy, suốt hơn hai mươi năm trời, từ 1407 đến 1427, giặc Minh đã thiết lập bộ mấy chính quyền cai trị vô cùng dã man đối với nhân dân ta. Những hình phạt man rợ như rút ruột người, nấu thịt người,… được chúng thi hành mà không hề có một chút “ghê tay”. Chúng còn đặt ra hàng trăm thứ thuế khóa nặng nề, bóc lột nhân dân ta đến cùng cực cũng như vơ vét tài nguyên và sản vật của đất nước ta:
Bại nhân nghĩa nát cả đất trời,
Nặng thuế khóa sạch không đầm núi.
Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc, ngán thay cá mập thuồng luồng.
Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng, khốn nỗi rừng sâu, nước độc.
Vét sản vật, bắt chim trả, chốn chốn lưới chăng,
Nhiễu nhân dân, bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt.
Nguyễn Trãi đã nêu ra một loạt những hành động tàn ác của giặc Minh đối với nhân dân ta như: “ép xuống biển mò ngọc” khiến cho dân ta chết vì “cá mập, thuồng luồng”, người thì “bị đem vào núi đãi cát tìm vàng” rồi chết vì “rừng sâu, nước độc”. Chúng còn “vét sản vật, bắt chim trả”, “bẫy hươu đen”. Bao nhiêu sản vật quý hiếm của đất nước ta bị chúng bắt cống nạp, tiến cống. Rồi những người trai tráng bị bắt phu phen, lao dịch đến mức kiệt sức. Không chỉ vậy, chúng còn phá huỷ cả môi trường sống của chúng ta bằng cách “giăng lưới” khắp chốn, đặt cạm bẫy khắp nơi. Những tội ác ấy của quân giặc Phương Bắc đã được Nguyễn Trãi cô đọng trong hơn mười dòng thơ nhưng ta cũng có thể thấy được sự dã man, tàn bạo, sự tận diệt giống nòi, huỷ diệt mọi sự sống của quân Minh. Nó sẽ như một tấm bia đá vĩnh viễn muôn đời tố cáo tội ác khủng khiếp của kẻ thù đối với đất nước ta nhân dân ta.
Kết quả của sự cai trị tàn ác ấy là nhân dân ta rơi vào cảnh tang tóc, đau thương, chia lìa: “Nheo nhóc thay kẻ goá bụa khốn cùng”. Đó là hình ảnh của những gia đình phải li tán, vợ chồng phải chia xa, mẹ mất con, con mất cha, đau thương đến khốn cùng. Và hơn thế, chúng còn bắt nhân dân ta “phục dich”, “phu phen” đến nỗi cuộc sống lao động, sản xuất của nhân dân không thể hoạt động bình thường được, những nghề truyền thống như “canh cửi” phải “đứt đoạn”:
Nặng nề những nỗi phu phen
Tan tác cả nghề canh cửi.
Sự căm hờn của Nguyễn Trãi càng được đẩy lên cao độ như ông sử dụng hàng loạt những từ ngữ miêu tả sự khinh bỉ đến tận cùng với quân thù:
Thằng há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán;
Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa.
Ông gọi giặc Minh bằng những từ ngữ khinh thường như “thằng”, “đứa”. Ông coi chúng như những con thú dữ chỉ nhăm nhe “hút máu” nhân dân ta tới tận xương tuỷ. Nghệ thuật liệt kê đã cho chúng ta thấy được nỗi căm hờn vô cùng của nhà thơ đối với kẻ thù cũng như sự thương xót vô hạn mà ông dành đến cho nhân dân. Những câu văn biền ngẫu đối xứng được nối nhau liền kề tố cáo tội ác chồng chất của quân giặc. Tội ác ấy chất cao như núi, kết lại thành một khối căm hờn của toàn dân tộc ta:
Độc ác thay trúc Nam Sơn không ghi hết tội
Dơ bẩn thay nước Đông Hải không rửa sạch mùi.
Bằng bút pháp phóng đại, Nguyễn Trãi đã dùng những thứ vô hạn như trúc Lam Sơn, như nước biển “Đông Hải” để so sánh với tội ác vô hạn mà quân giặc đã gây nên ở đất nước ta. Và kết lại là hai câu thơ cuối, lời thơ đanh thép như một lời kết án dành cho kẻ thù:
Lẽ nào trời đất dung tha,
Ai bảo thần nhân chịu được?
Tội ác mà quân Minh gây nên ở đất nước ta sớm đã vượt qua cái vô hạn của trời đất, khiến cho người người phải “căm hận” chúng đến tận xương tuỷ, “trời đất” cũng chẳng thể dung thứ.
Trong đoạn này, Nguyễn Trãi đã đứng trên lập trường của nhân dân để vạch trần âm mưu cũng như tội ác của kẻ thù, chỉ trích sự man rợ, tàn bạo của quân giặc. Vẫn là lối văn chính luận với giọng điệu đanh thép, những câu văn biền ngẫu đối xứng, giàu hình ảnh đã cho chúng ta thấy được tội ác, lòng căm thù sâu sắc của Nguyễn Trãi dành cho kẻ thù, đồng thời cũng cho ta thấy được sự thương cảm, đau xót của ông đối với nhân dân Đại Việt ta. Giọng điệu được thay đổi linh hoạt, phù hợp với nội dung từng đoạn văn. Biện pháp liệt kê và phóng đại có chọn lọc cho thấy được tội ác dã man của kẻ thù, biến đoạn thứ hai của Bình Ngô đại cáo thành một bản cáo trạng đanh thép.
Đoạn thứ hai của bài Đại cáo bình Ngô không chỉ cho chúng ta thấy được tội ác mà giặc Minh đã gây ra cho dân tộc ta mà còn khiến chúng ta phải khắc sâu hơn nữa sự căm hận của nhân dân ta với kẻ thù để từ đó thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh của toàn dân tộc. Bằng ngòi bút chính luận xuất sắc hoà với cảm hứng trữ tình, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi xứng đáng mà một áng “thiên cổ hùng văn” có giá trị mãi mãi tới muôn đời sau.
——————HẾT——————-
Bình Ngô đại cáo được coi là một “áng thiên cổ hùng văn” của dân tộc ta. Bởi ở trong đó không chỉ chứa đựng những tư tưởng cao cả mà còn cho chúng ta thấy được hiện thực tội ác của kẻ thù đối với nhân dân ta. Cùng tìm hiểu thông qua các bài viết Phân tích luận đề chính nghĩa trong đoạn đầu Bình Ngô đại cáo, Phân tích tư tưởng độc lập được Nguyễn Trãi thể hiện trong Bình Ngô đại cáo, Nghị luận tác phẩm Đại cáo bình Ngô, Phân tích hình tượng của chủ tướng Lê Lợi trong Đại cáo Bình Ngô để hiểu rõ hơn về tác phẩm cực kỳ đặc sắc này nhé!