Đề bài: Thuyết minh về làn điệu chèo
Thuyết minh về làn điệu chèo
I. Dàn ý Thuyết minh về làn điệu chèo (Chuẩn)
1. Mở bài:
Giới thiệu về nghệ thuật dân gian chèo.
2. Thân bài:
a. Khái quát:
– Chèo là loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian cổ của Việt Nam, phát triển mạnh ở phía Bắc, trọng tâm là vùng đồng bằng sông Hồng.
– Là nghệ thuật mang tính quần chúng, được sử dụng trong hội hè, lễ nghi,…
– Chèo không chỉ phản ánh xã hội mà còn đi sâu vào bản sắc dân tộc, kết tinh của đầy đủ các loại hình dân tộc.
b. Nguồn gốc hình thành và quá trình phát triển:
– Hình thành và phát triển từ thế kỉ thứ 10, dưới thời nhà Đinh, được cho là bắt nguồn từ trò nhại.
– Vùng đất kinh đô của chèo là cố đô Hoa Lư.
– Người sáng lập là bà Phạm Thị Trân, một người ca vũ trong cung, sau đó được truyền ra khắp Đại Cồ Việt.
– Thế kỷ 14, chèo có một dấu mốc quan trọng: chịu ảnh hưởng của kinh kịch Trung Quốc.
– Thế kỷ 15, chèo lại trở lại với nông thôn Việt gắn với sinh hoạt và hội hè của người dân trong các lễ hội cầu mưa, cảm tạ thần thánh,… do vua Lê Thánh Tông theo đạo Khổng, không cho phép diễn trong cung đình.
– Từ thế kỉ 18 đến thế kỉ 19 là đỉnh cao của sự phát triển nghệ thuật chèo.
– Thế kỷ 20, chèo quay lại thành thị và một số vở chèo mới ra đời.
c. Đặc trưng của chèo:
– Làn điệu chèo không dựa vào kịch bản mà dựa vào sự phong phú trong lối hát và diễn xuất của người diễn viên.
– Chèo có thể hát đôi, hát đơn hoặc hát đồng ca.
– Chèo hội tụ tất cả các làn điệu dân ca của vùng đồng bằng sông Hồng như hát xoan, hát xẩm,…
– Mỗi vở chèo sẽ bao gồm: kịch bản kịch tính, phương pháp tự sự, cách thể hiện nhân vật ước lệ gắn với những câu thơ chữ Hán, điển cố, các câu thơ lục bát tự do,…
– Nội dung: Miêu tả cuộc sống của người dân ở nông thôn cũng như những đức tính cao quý của họ với lối diễn hài hước, gây cười.
– Nhân vật trong chèo có 5 loại: Sinh, Đào, Lão, Mụ, Hề
+ Hề, Lão, Mụ: diễn theo lối dân dã.
+ Sinh, Đào: diễn theo lối cổ điển, hình tượng văn chương.
+ Vai diễn hề là đặc sắc riêng chỉ có trong chèo, miêu tả những thói hư tật xấu, gây tiếng cười cho mọi người.
– Nhạc cụ: một vở diễn chèo phải có ít nhất 3 loại đàn dây: đàn nguyệt, đàn bầu, đàn nhị, thêm sáo và nhất thiết phải có trống.
d. Các yếu tố cấu thành một vở chèo hoàn chính:
Bao gồm 5 yếu tố: kịch bản, mĩ thuật, đạo diễn, múa, diễn xuất của diễn viên.
– Kịch bản văn học: tạo nên chất chèo và tư duy chèo
– Diễn xuất: là linh hồn của vở chèo
– Mĩ thuật: là bối cảnh, đất diễn.
– Đạo diễn: là người sắp trò, cầm trịch, là những người thầy truyền nghề.
– Múa: biểu hiện tâm trạng, nội dung nhân vật, …
e. Các làn điệu chèo và các tổ chức chèo hiện tại:
– Các làn điệu chèo: có tới hơn 200 làn điệu chèo khác nhau.
– Các tổ chức chèo: bao gồm chuyên và không chuyên: Nhà hát chèo Việt Nam, nhà hát chèo Quân đội, nhà hát chèo Hải Phòng, đoàn chèo Phú Thọ, đoàn chèo Quảng Ninh,…
3. Kết bài:
Những làn điệu chèo là nét văn hoá cần gìn giữ và phát huy.
II. Bài văn mẫu Thuyết minh về làn điệu chèo (Chuẩn)
Việt Nam là đất nước ngàn năm văn hiến với nền văn hoá đa dạng, độc đáo, mang những nét riêng, khác biệt so với các quốc gia láng giềng. Người ta biết đến Việt Nam không chỉ qua hình ảnh của chiếc nón lá, tà áo dài, áo tứ thân mà còn qua các làn điệu dân ca hết sức đặc sắc như cải lương, tuồng, hát bội, hát xoan,… Trong đó phải kể đến các làn điệu chèo.
Nghệ thuật chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian cổ truyền của Việt Nam. Nó được phát triển mạnh mẽ nhất ở vùng miền Bắc Việt Nam mà trọng tâm là vùng đồng bằng sông Hồng. Đây là một loại hình nghệ thuật sân khấu rất phát triển và có tính dân tộc cao. Nó là thứ nghệ thuật mang tính quần chúng, dân dã, thường được sử dụng trong các hội hè, lễ nghi, phong tục,… ở các vùng làng quê đồng bằng phía bắc. Nó đã đi sâu vào đời sống văn hoá của con người, xã hội Việt Nam. Bởi chèo không chỉ phản ánh xã hội mà còn đi sâu vào bản sắc dân tộc – một dân tộc bình dị, kiên cường, lạc quan, có một lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc đến cùng. Nghệ thuật chèo là kết tinh đầy đủ của các loại hình văn học như anh hùng ca, sử thi, lãng mạn,… nên vô cùng đa dạng và đặc sắc.
Theo những ghi chép còn sót lại, chèo đã trải qua quá trình lịch sử kéo dài hơn mười thế kỉ. Nó đã bắt đầu manh nha hình thành và phát triển từ thế kỉ thứ 10, dưới thời nhà Đinh, triều vua Đinh Tiên Hoàng. Chèo được cho là bắt nguồn từ âm nhạc và các điệu múa dân gian vùng châu thổ sông Hồng, đặc biệt là trò nhại. Thời gian dần qua, các vở chèo được dựa trên các trò nhại trở thành những vở diễn trọn vẹn, dài hơn, khiến cho người xem thoả mãn hơn khi được thưởng thức. Vùng đất kinh đô của chèo là cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) và người sáng lập làn điệu chèo đầu tiên là bà Phạm Thị Trân – một người ca vũ trong hoàng cung. Bà đã được nhà vua ban cho chức quan Ưu bà chuyên truyền nghề múa hát cho những người vũ ca trong cung đình. Cũng nhờ vào đó mà chèo đã lan tỏa ra khắp lãnh thổ của Đại Cồ Việt.
Thế kỉ thứ 14, khi nước ta bước vào giai đoạn kháng chiến chống quân Mông – Nguyên thì nghệ thuật chèo, trong thời gian này, cũng có một bước tiến, một dấu mốc quan trọng. Đó là khi quân ta bắt được một con hát trong đội quân Nguyên Mông mang tên Lý Nguyên Cát. Lý Nguyên Cát vốn là một diễn viên và đã diễn vở kinh kịch “Vương mẫu hiến đào” cho vua và triều thần ngự lãm. Vua ưng ý vô cùng nên hắn được tha tội chết và được truyền là phải dạy lối hát đó cho các binh sĩ Đại Việt. Từ đó, kinh kịch đã tác động trực tiếp lên các loại hình sân khấu dân gian của Việt Nam như tuồng, chèo,… khiến các loại hình sân khấu này thêm đa dạng cũng như có thêm các vai diễn mới như đán nương (đào), hay quan nhân (kép),…
Nếu như ở thế kỉ 14, chèo được trọng vọng trong chốn cung đình thì đến thế kỉ thứ 15, chèo lại trở về với làng quê nông thôn Việt do vua Lê Thánh Tông chịu ảnh hưởng của đạo Khổng, không cho phép diễn chèo trong cung đình. Thời gian này, chèo gắn liền với sinh hoạt, hội hè của người Việt như: các lễ hội cầu mưa hay cảm tạ thần thánh. Các kịch bản được lấy từ những câu chuyện trong đời sống hàng ngày và viết bằng chữ Nôm.
Thế kỉ 18 đến cuối thế kỉ 19 là thời gian mà chèo có được sự phát triển tới đỉnh cao. Tại thời điểm này, chèo vẫn phát triển mạnh ở vùng nông thôn Việt nhưng các kịch bản đã được các Nho sĩ biên soạn như vở “Lưu Bình – Dương Lễ” do danh sĩ Vũ Trịnh soạn,… hay chịu ảnh hưởng của tuổng khi khai thác một số những tích truyện Trung Quốc như “Tống Trân”, “Phạm Tải”,… Đến đầu thế kỉ 20, chèo lại được đưa quay trở lại thành thị và một số vở chèo mới ra đời.
Nếu như nghệ thuật tuồng thường mang âm hưởng hùng tráng thì chèo lại làm nên sự khác biệt nhờ vào lối hát, lối diễn của các diễn viên. Sự phong phú và khác biệt của chèo hoàn toàn dựa vào người kép hát, người đào hát chứ không phải dựa vào các kịch bản. Làn điệu chèo là lối hát sân khấu nên có thể hát đơn, hát đôi hoặc hát đồng ca đều được. Chèo là sự hội tụ của tất cả các dòng dân ca của châu thổ sông Hồng như hát xoan, hát bội, hát xẩm,… Mỗi vở chèo đều bao gồm yếu tố kịch tính, phương pháp tự sự, thể hiện tính cách nhân vật, ước lệ và cách điệu. Chính vì thế mà chèo đôi khi hay sử dụng những câu thơ chữ Hán, những điển cổ, những câu ca dao với lời thơ lục bát hết sức phóng khoáng, tự do.
Về nội dung, nghệ thuật chèo miêu tả cuộc sống thường ngày của những người dân ở nông thôn, ca ngợi những phẩm chất cao quý của họ. Cũng như những câu chuyện cổ tích, trong các vở chèo, cái thiện, cái tốt bao giờ cũng chiến thắng các ác, những sĩ tử chăm chỉ hiền lành chắc chắn sẽ đỗ đạt thành tài,… Một đặc trưng nữa rất khác biệt của các vở chèo là chất trữ tình cũng như lối diễn hài hước gây cười với các vai diễn như thầy mù, đồ điếc,… đặc biệt là hề. Nhân vật trong các vở chèo mang tính ước lệ với năm loại chính là: Sinh, Đào, Lão, Mụ, Hề. Trong khi Hề, Lão, Mụ là lối diễn theo phong cách dân dã thì Sinh, Đào thường diễn theo lối cổ điển, gần với hình tượng văn chương. Tính cách của nhân vật chính trong chèo thường xuyên suốt trong vai diễn trong khi các nhân vật phụ có thể lặp lại ở nhiều vở diễn và thường không có tên riêng.
Đặc biệt nhất ở chèo là vai diễn của những tên hề. Người ta thường nói “phi hề bất thành chèo” tức là không có vai hề thì không thể thành vở chèo hoàn chỉnh. Bởi hề là vai diễn cực kì đặc trưng trong các làn điệu chèo và đã được khẳng định qua nhiều vở chèo truyền thống. Vai hề thường đả kích những thói hư tật xấu của xã hội, mang lại tiếng cười cho người xem cũng như truyền tải những tư tưởng, tinh thần của vở diễn.
Một vở chèo tối thiểu phải sử dụng ba loại nhạc cụ dây là đàn nguyệt, đàn bầu và đàn nhị. Thêm vào đó, các nhạc công phải sử dụng cả trống và chũm choẹ. Trống là linh hồn của âm nhạc trong chèo, nó điều khiển tiết tấu cũng như hành động của các diễn viên.
Các yếu tố để cấu thành một vở chèo hoàn chỉnh phải bao gồm: kịch bản văn học, diễn xuất, mĩ thuật, đạo diễn và các điệu múa. Trong khi kịch bản văn học là một yếu tố cơ bản nhất tạo nên chất chèo, tư duy chèo thì diễn xuất của các diễn viên chèo lại là linh hồn của một vở chèo. Một vở chèo, làn điệu chèo có thể diễn đi, diễn lại nhiều lần nhưng cái hay nhất là cách xử lí, lối diễn xuất thần của các diễn viên tạo cho mỗi lần diễn, vở chèo lại có những nét hay, nét đặc sắc riêng. Yếu tố thứ ba là tính mĩ thuật của vở chèo, với phông nền, địa điểm nơi diễn trò, sân khấu dàn dựng,… tất cả đóng góp không nhỏ vào thành công của vở diễn. Thứ tư là đạo diễn của vở chèo. Đó là công việc của những người thầy truyền nghề, của những người thầy chèo với tư cách người sắp trò. Họ là những con người thầm lặng đứng sau tạo nên sự hoàn hảo của một vở diễn. Và cuối cùng là các điệu múa trong nghệ thuật chèo, biểu hiện tâm trạng, khắc hoạ nội tâm nhân vật, cũng như thể hiện không gian, thời gian.
Các làn điệu chèo phổ biến cho tới hiện tại có khoảng trên 200 làn điệu. Tất cả đều được bắt nguồn từ ca dao, dân ca, thơ giàu chất trữ tình. Ta có thể phân ra thành các hệ thống như hệ thống chèo đối đáp trữ tình, hệ thống làn điệu sắp, hệ thống làn điệu trò,…
Hiện nay, ở Việt Nam còn các tổ chức chèo hoạt động chuyên và không chuyên như: Nhà hát chèo Việt Nam, nhà hát chèo Quân đội, nhà hát chèo Hải Phòng, đoàn chèo Phú Thọ, đoàn chèo Quảng Ninh,… Ngoài ra, chèo còn được công nhận với tứ chiếng chèo là chiếng chèo Nam, chiếng chèo Bắc, chiếng chèo Đoài và chiếng chèo Đông. Mỗi chiếng chèo bao gồm những khu vực riêng với những lối diễn riêng biệt, tạo nên đặc trưng riêng cho từng chiếng.
Các làn điệu chèo từ bao đời nay đã trở thành nét văn hóa sinh hoạt nghệ thuật quen thuộc của người dân Việt Nam. Nó đã đi sâu vào tâm trí của mỗi con người nơi đất Việt, trở thành một thứ nghệ thuật không thể thiếu đi trong đời sống hàng ngày như câu ca dao:
“Chẳng thèm ăn chả ăn nem
Thèm no cơm tẻ, thèm xem hát chèo”.
—————-HẾT—————-
Với một nền văn hoá lâu đời, đa dạng về bản sắc, những nghệ thuật dân gian của Việt Nam ngoài chèo còn có nhiều nghệ thuật khác như múa rối nước, tuồng,… Cùng tìm hiểu những nghệ thuật văn hoá ấy thông qua các bài viết Thuyết minh về nghệ thuật Múa rối nước, Thuyết minh về nghệ thuật sân khấu tuồng, Thuyết minh về cải lương , Thuyết minh về một loại hình ca nhạc (hay sân khấu) mà anh (chị) yêu thích.