Lớp 12

Cảm nhận vẻ đẹp sông Hương khi ở trong lòng thành phố Huế

Đề bài: Cảm nhận vẻ đẹp sông Hương khi ở trong lòng thành phố Huế

Cảm nhận vẻ đẹp sông Hương khi ở trong lòng thành phố Huế

I. Dàn ý Cảm nhận vẻ đẹp sông Hương khi ở trong lòng thành phố Huế (Chuẩn)

1. Mở bài:

– Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và vẻ đẹp sông Hương khi ở trong lòng thành phố Huế.

2. Thân bài:

a. Trình bày khái quát về tác giả, tác phẩm:

– Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn chiến sĩ có phong cách nghệ thuật độc đáo và là người có công đưa thể kí Việt Nam phát triển lên đến đỉnh cao.
– “Ai đã đặt tên cho dòng sông” là một trong tám bài kí xuất sắc nhất của Hoàng Phủ Ngọc Tường và được xuất bản lần đầu năm 1986.

b. Cảm nhận về vẻ đẹp sông Hương khi ở trong lòng thành phố Huế:

– Sông Hương vui hẳn lên giữa những bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long:
+ Dòng sông kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hương Tây Nam – Đông Bắc, tự uốn một cánh cung rất nhẹ nhàng sang đến Cồn Hến khiến dòng sông mềm hẳn đi như một tiếng vâng không nói ra của tình yêu.
+ Sông Hương duy nhất thuộc về một thành phố, là niềm tự hào của xứ Huế, con người Huế.
+ Sông Hương đánh thức được linh hồn dân tộc, khác hẳn với các dòng sông ở cảnh lập lòe trong sương đêm những ánh lửa thuyền chài của một linh hồn mô tê xưa cũ.

– Sông Hương được cảm nhận rất riêng trong sự tìm tòi thú vị của nhà văn, nó có chút lẳng lơ, kín đáo của tình yêu .
+ Nhìn bằng con mắt hội họa, sông Hương và những chi lưu của nó đã tạo nên những nét cổ kính của cố đô.
+ Sông Hương như người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya, làm cho Huế đẹp một cách trầm lặng và kín đáo.

c. Đánh giá:

– Sông Hương về với Huế giống như người con gái đi được nửa cuộc đời và tìm được tình nhân đích thực.
– Dưới ngòi bút điêu luyện của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương được nhìn nhận ở nhiều phương diện khác nhau và mang vẻ đẹp của toàn thành phố.

3. Kết bài:

– Khái quát lại vẻ đẹp sông Hương khi ở trong lòng thành phố Huế.

II. Bài văn mẫu Cảm nhận vẻ đẹp sông Hương khi ở trong lòng thành phố Huế (Chuẩn)

Nếu như sông Đà trong “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân nổi bật với vẻ đẹp hung bạo, hùng vĩ thì sông Hương trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc lại mang một vẻ đẹp trữ tình, dịu dàng. Trước khi vào với thành phố Huế, sông Hương đã phải trải qua một hành trình đầy gian truân và thử thách trong cái nhìn tinh tế và lãng mạn của tác giả. Khi đến với thành phố Huế, sông Hương thực sự đã được là chính mình và để lại nhiều dấu ấn riêng biệt cho cố đô.

Hoàng Phủ Ngọc Tường là một nhà văn hóa xứ Huế trong việc khảo cứu các đối tượng để phục vụ các lĩnh vực văn học, văn hóa. Ông là nhà văn chiến sĩ có phong cách nghệ thuật độc đáo và là người có công đưa thể kí Việt Nam phát triển lên đến đỉnh cao. “Ai đã đặt tên cho dòng sông” là một trong tám bài kí xuất sắc nhất của Hoàng Phủ Ngọc Tường và được xuất bản lần đầu năm 1986.

Khi chảy vào thành phố Huế, sông Hương như tìm thấy mình khi gặp thành phố thân yêu, nó vui hẳn lên giữa những bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long. Dòng sông “kéo một nét thẳng thực yên tâm theo hương Tây Nam – Đông Bắc”, tự “uốn một cánh cung rất nhẹ nhàng sang đến Cồn Hến khiến dòng sông mềm hẳn đi” như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu. Sông Hương duy nhất thuộc về một thành phố, nó là niềm tự hào của xứ Huế và của con người Huế bởi nó đem một nét đặc trưng riêng mà không dòng sông nào có được. Sông Hương đánh thức được linh hồn dân tộc, nó khác hẳn với các dòng sông khác ở cảnh lập “lòe trong sương đêm những ánh lửa thuyền chài của một linh hồn mô tê xưa cũ”. Sông Hương thật yên bình là bởi ở đó còn có hình ảnh của những con người mưu sinh. Sông Hương trôi đi “chậm, thực chậm” như không muốn rời khỏi thành phố yêu quý để lại một mặt hồ yên tĩnh. Khi chảy trong lòng thành phố Huế, nó còn đem đến “điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế”, nó “ngập ngừng như muốn đi muốn ở”.

Không chỉ nhẹ nhàng như một điệu “slow” tình cảm, sông Hương còn được cảm nhận rất riêng trong sự tìm tòi thú vị của nhà văn. Sông Hương và những chi lưu của nó đã tạo nên những nét cổ kính của cố đô bởi những nhánh sông đào mang nước của sông Hương “tỏa đi khắp phố thị với những cây đa, cây cửa”. Sông Hương như người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya, khiến cho nhà thơ có những liên tưởng đến với cảnh được ngồi trên thuyền lênh đênh, nghe ca Huế trên dòng sông lấp lánh ánh trăng bởi nhà văn đã nhiều lần thất vọng khi nghe nhạc Huế giữa ban ngày. Sông Hương chảy vào thành phố bỗng làm cho Huế đẹp một cách trầm lặng và kín đáo bởi sông Hương là dòng sông của âm nhạc, của thơ ca, của lịch sử và nó gắn liền với vẻ đẹp của con người xứ Huế.

Sông Hương về với Huế như người con gái đi được nửa cuộc đời và tìm được tình nhân đích thực của mình cho nên nó có chút e thẹn và kín đáo của người con gái đang yêu. Dưới ngòi bút điêu luyện của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương được nhìn nhận ở nhiều phương diện khác nhau và mang vẻ đẹp của toàn thành phố rất đỗi thơ mộng, trữ tình.

Qua những cảm nhận tinh tế và sâu sắc của Hoàng Phủ Ngọc Tường ta có thể thấy sông Hương đã được tiếp cận và miêu tả ở nhiều góc độ khác nhau khi chảy vào trong thành phố Huế. Có thể thấy, sông Hương chính là đối tượng để tác giả bộc lộ tâm tình với con người xứ Huế. Chắc hẳn, nhà văn phải yêu thiên nhiên và con người nơi đây lắm thì mới có được những cảm nhận vô cùng tinh tế và sâu sắc như vậy.

—————-HẾT—————-

Trên đây là bài Cảm nhận vẻ đẹp sông Hương khi ở trong lòng thành phố Huế. Để giúp các em nâng cao vốn hiểu biết của mình thì mời các em cùng tham khảo thêm những bài viết sau: Vẻ đẹp của con sông Hương ở thượng nguồn mà em cảm nhận được qua bài tùy bút Ai đã đặt tên cho dòng sông; Phân tích hành trình đi tìm vẻ đẹp của sông Hương nơi đầu nguồn trong đoạn trích Ai đã đặt tên cho dòng sông, Phân tích vẻ đẹp của con sông Hương trong bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông, Hình tượng sông Hương trong tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button