Đề bài: Phân tích tính hung bạo của con Sông Đà ở thượng nguồn trong Người lái đò sông Đà
Phân tích tính hung bạo của con Sông Đà ở thượng nguồn trong Người lái đò sông Đà
I. Dàn ý Phân tích tính hung bạo của con Sông Đà ở thượng nguồn trong Người lái đò sông Đà (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Nguyễn Tuân, tác phẩm Người lái đò sông Đà, vấn đề: tính hung bạo của con sông Đà ở thượng nguồn.
2. Thân bài
a. Khái quát chung về tác phẩm, hình tượng con sông Đà:
– Tùy bút Người lái đò sông Đà sáng tác năm 1960 trong chuyến thực tế lên Tây Bắc của Nguyễn Tuân.
– Sông Đà hiện lên trên trang tùy bút với 2 nét tính cách: Trữ tình, thơ mộng và hung bạo, dữ dội.
b. Tính hung bạo của sông Đà:
– Vách đá “dựng thành vách”, vách đá chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu, thiếu nắng, thiếu cả hơi ấm.
– Ở quãng mặt ghềnh Hát Loóng: “nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió” gùn ghè, dữ dằn như muốn ăn tươi nuốt sống bất cứ chiếc thuyền nào yếu tay lái.
– Hút nước ở Tà Mường Vát: những cái hút nước đáng sợ, không thuyền nào dám men gần sợ bị nó hút văng vào bên trong và kéo xuống dưới.
– Tiếng nước réo gầm: mang nhiều giọng điệu, lúc thì oán trách lúc van xin, lúc như khiêu khích, chế nhạo hoặc “rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng”.
– Thạch trận trên sông: bày binh bố trận để tiêu diệt con người với ba lớp tấn công, tiền vệ, trung vệ và hậu vệ.
c. Đánh giá chung về nội dung, nghệ thuật:
– Nội dung: ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên đất nước, tinh thần lạc quan và sức mạnh chế ngự với thiên nhiên của con người Tây Bắc.
– Nghệ thuật: lối ngông trong văn chương của Nguyễn Tuân, sử dụng nhiều thuật ngữ của nhiều lĩnh vực khác nhau, từ ngữ miêu tả sinh động
3. Kết bài
Cảm nhận chung về hình tượng con sông Đà, khẳng định lại giá trị tác phẩm.
II. Bài văn mẫu Phân tích tính hung bạo của con Sông Đà ở thượng nguồn trong Người lái đò sông Đà (Chuẩn)
“Người lái đò sông Đà” – một thiên tùy bút của Nguyễn Tuân viết về sông Đà và người lao động bình dị mang trong mình “chất vàng mười”, ta nhận ra Nguyễn Tuân không chỉ muốn xê dịch để khuây khỏa cảm giác “vắng quê hương” mà đã có khao khát được hòa nhịp với đất nước và cuộc đời. Nguyễn Tuân đã bằng tình yêu và sự tài hoa của mình không chỉ phát hiện ra tính chất hung bạo của dòng sông khi ở thượng nguồn mà còn làm nổi bật tài trí, sức mạnh của người lái đò.
Trong tác phẩm của mình, Nguyễn Tuân nói nhiều đến sự “hung bạo” ở thượng nguồn con sông Đà đầy đá nổi, đá chìm và thác dữ. Tuy nhiên ông vẫn làm cho chúng ta nhận thấy một điều rằng: bên trong sự hung bạo ấy là vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên đất nước. Sông Đà dữ dội và hung bạo trước hết ở cảnh hai bên bờ có những “vách đá dựng đứng” làm cho lòng sông hẹp hẳn đi, khoảng cách giữa hai bờ bị thu nhỏ lại và lòng sông chỗ ấy phải lúc đúng giờ ngọ mới có mặt trời, hẳn là một nơi thiếu ánh sáng. Đi đò qua quãng ấy đang là mùa hè cũng cảm thấy lạnh cho thấy nơi ấy thiếu cả hơi ấm, lòng sông chỗ ấy như chảy trong hang đá. Sông Đà hung bạo còn ở cảnh mặt ghềnh Hát Loóng “Dài hàng cây số, nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm”. Mặt ghềnh được tạo bởi đá ngầm suốt chiều dài hàng cây số, nước – đá – sóng – gió cứ xô lẫn nhau. Nhà văn sử dụng câu văn có cấu trúc trùng điệp để mô tả cảnh mặt ghềnh với dòng nước dữ tợn xô vào đá ầm ào suốt đêm ngày. Hình ảnh “cái hút nước” đã tô đậm tính hung bạo của con sông, bằng cách miêu tả sự nguy hiểm của hút nước sông Đà ở cả bề mặt và bề sâu. Bề mặt hút nước sông Đà nhà văn đã dùng những hình ảnh so sánh, ví “cái hút nước” như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu và “nước thở và kêu như cửa cống cái bị sặc”. Với những hình ảnh so sánh đó ta hình dung bề mặt hút nước rất rộng, lưu lượng nước và sức hút là rất lớn, bất cứ con thuyền nào vô ý nghênh ngang qua đó không biết lướt qua cho nhanh thì sẽ bị cái hút nước lôi tuột xuống và làm cho tan xác.
Ở bề sâu, tác giả sử dụng kiến thức ở lĩnh vực điện ảnh, nhà văn mượn cảm giác của một nhà quay phim táo tợn vì muốn truyền cảm giác mạnh cho người xem nên đã dũng cảm cầm máy quay ngồi vào cái thuyền thúng tròn vành rồi cho cả thuyền, cả người, cả máy xuống đáy cái hút nước sông Đà, rồi từ đáy cái hút nước nhà quay phim mới lia ngược cái ống kính lên để thu hình. Lúc này chiếc thuyền bị hút nước làm cho xoay tít, những thước phim màu cũng quay tít, nhà quay phim đã truyền cảm giác mạnh ấy cho người xem khiến người xem ngỡ rằng chính bản thân mình đang ở đáy hút nước sông Đà, đang bị cuốn vào vòng xoáy tít của dòng nước mà hoảng sợ tới mức chỉ còn biết giữ chặt lấy mép ghế mà phó mặc cho số phận mình cho dòng nước xoáy. Để tô đậm biểu hiện hung bạo của sông Đà ở tiếng thác nước, nhà văn đã dùng cả cách nói nhân hóa và cách nói so sánh. Câu văn nhân hóa “Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo”. Ở đây nhà văn đã gắn cho sông Đà những trạng thái bất thường, “oán trách” là sự hờn giận, trách cứ đầy ai oán, “van xin” là thái độ năn nỉ, cầu xin một cách tha thiết như kẻ có lỗi, “khiêu khích” và “chế nhạo” lại là sự thách thức đầy nhạo báng. Những trạng thái rất thất thường hay chính là tô đậm những diễn biến khó lường của thiên nhiên bí ẩn. Nhà văn so sánh tiếng thác như “tiếng rống của một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre nứa nổ lửa”, đang phá tung rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng. Nhà văn muốn mượn tính chất của một mớ âm thanh hỗn độn để miêu tả độ mạnh của tiếng thác nước sông Đà, âm thanh ấy như tiếng gầm thét của tự nhiên hoang dại. Như vậy qua câu văn nhân hóa và câu văn so sánh, nhà văn muốn tô đậm hình ảnh một con sông không chỉ có tâm trạng mà còn có cả tính cách dữ dằn, ở đó tiềm ẩn những diễn biến khó lường của thiên nhiên hoang dã. Tiêu biểu nhất cho tính hung bạo của sông đà chính là dàn thạch trận trên sông. Ở đây nhà văn kết hợp giữa những câu văn nhân hóa với những kiến thức quân sự, thể thao để làm rõ âm mưu, tâm địa của con sông khi nó chủ động bày binh bố trận để tiêu diệt con người. Nguyễn Tuân cho rằng, đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, “mai phục” là chủ động ẩn nấp để đón đánh đối phương và mỗi khi thoáng nhìn thấy đối thủ, đá trên sông Đà đã nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền, tô đậm tính hiếu chiến của sông Đà. Ngoài ra giàn thạch trận trên sông, mỗi dàn lại có nhiệm vụ khác nhau: hàng tiền vệ có nhiệm vụ canh cửa giả là sơ hở để dụ dỗ đối phương, hàng trung vệ có nhiệm vụ đánh khuýp quật vu hồi – nghĩa là đánh bất thần trở lại khiến đối phương không kịp trở tay, tuyến trong cùng sông Đà giao nhiệm vụ cho boong – ke chìm và pháo đài đá nổ phải tấn công tới tấp đối phương và tiêu diệt triệt để. Ta thấy sông Đà chủ động bày binh bố trận rất kĩ càng, có âm mưu tiêu diệt đối phương bằng một chiến lược, chiến thuật cụ thể. Con sông Đà không chỉ có tính cách, tâm trạng mà còn có âm mưu và tâm địa xấu xa, nó trở thành một loài thủy quái và là kẻ thù số một của con người.
Có thể nói, hình tượng sông Đà nói chung và tính hung bạo của con sông ở thượng nguồn nói riêng đã bộc lộ vẻ đẹp, “cá tính” của dòng sông Đà và sự tài hoa, uyên bác, sử dụng nhiều kiến thức của nhà văn Nguyễn Tuân. Qua hình tượng con sông Đà, ta cảm nhận được niềm tin yêu, gắn bó với cuộc sống của tác giả cùng tình yêu quê hương đất nước bằng việc ca ngợi vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên Tây Bắc.
—————-HẾT—————-
Vẻ đẹp của dòng sông là một chuyện, sự đáng quý của con người lao động ở miền Tây Bắc. Mời các em cùng tìm hiểu về hình ảnh con người trên chính con sông Đà qua những bài viết sau: Phân tích thứ vàng mười trong Người lái đò sông Đà, Cảm nhận về hình tượng người lái đò sông Đà trong cảnh vượt thác, Phân tích cảnh vượt thác trong Người lái đò sông Đà, Phân tích vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của con Sông Đà trong tác phẩm Người lái đò sông Đà.