Đề bài: Đoạn văn phân tích cơ sở hình thành tình đồng chí qua 7 câu thơ đầu bài thơ Đồng chí
Đoạn văn phân tích cơ sở hình thành tình đồng chí qua 7 câu thơ đầu bài thơ Đồng chí
I. Dàn ý Đoạn văn phân tích cơ sở hình thành tình đồng chí qua 7 câu thơ đầu bài thơ Đồng chí (Chuẩn)
1. Mở đoạn
Giới thiệu tác giả Chính Hữu, bài thơ Đồng chí, vấn đề: cơ sở hình thành tình đồng chí.
2. Thân đoạn
a. Những người lính có chung hoàn cảnh, xuất thân
– Đều đến từ những vùng quê nghèo khó “đất mặn, đồng chua”, “đất cày lên sỏi đá”: đất đai khó canh tác, trồng trọt nên nghèo đói, khó khăn.
– Chung giai cấp xuất thân từ tầng lớp dân nghèo lao động, rời xa quê hương để làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
b. Cùng chung lí tưởng và nhiệm vụ chiến đấu
– Có chung mục đích chiến đấu: đánh giặc bảo vệ độc lập dân tộc.
–> Cùng chung nhiệm vụ, luôn sát cánh bên nhau “Súng bên súng, đầu sát bên đầu”.
– Cùng trải qua, chia sẻ với nhau những gian khổ nơi chiến trường.
– Đoàn kết, chia sẻ chan hòa mọi gian lao vất vả, vui buồn nơi chiến trường.
– Cùng nhau trải qua gian khổ, chia ngọt sẻ bùi, trở thành tri kỉ của nhau “đêm rét chung chăn”
c. Khái quát đặc sắc nghệ thuật
– Câu thơ cuối một từ hai tiếng “Đồng chí!” vang lên, nhấn mạnh như một lời khẳng định rõ ràng.
– Hình ảnh và ngôn từ mộc mạc, gần gũi, bình dị.
3. Kết đoạn
Khẳng định lại vẻ đẹp của tình đồng chí trong bài thơ.
II. Những Đoạn văn phân tích cơ sở hình thành tình đồng chí qua 7 câu thơ đầu bài thơ Đồng chí hay nhất
1. Đoạn văn phân tích cơ sở hình thành tình đồng chí qua 7 câu thơ đầu bài thơ Đồng chí, mẫu 1 (Chuẩn)
Bài thơ “Đồng chí” – một bài thơ thành công của Chính Hữu khi đi khai thác đề tài vẻ đẹp người lính. Người lính vốn là những con người xa lạ nhưng họ lại được gắn kết với nhau bằng tình cảm đồng chí thiêng liêng, cao đẹp. Tình đồng chí ấy được bắt nguồn từ nhiều cơ sở. Trước tiên, tình đồng chí – đồng đội giữa những người lính trong chiến dịch Việt Bắc bắt nguồn từ sự tương đồng về cảnh ngộ, hoàn cảnh xuất thân. Họ mặc dù là những người từ nhiều phương trời khác nhau nhưng đều chung cảnh quê nghèo đói: “Quê hương anh đất mặn, đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”. Họ có chung một hoàn cảnh xuất thân, đều là những người nông dân nghèo trên quê hương nhọc nhằn, nghèo khó, đất nhiễm mặn, đồng ruộng cằn cỗi, đất trơ sỏi đá. Chung hoàn cảnh nghèo, lại chung xuất thân là giai cấp nông dân. Những người lính còn có chung một mục đích cách mạng đó là chống giặc để bảo vệ đất nước, thoát khỏi kiếp làm nô lệ, sống cuộc sống tự do. Tình đồng chí được gây dựng nên từ sự chung lí tưởng cách mạng, chung nhiệm vụ chiến đấu. Ở những người lính đều có lí tưởng cách mạng vững vàng, chung một lòng tin vào đường lối và sự lãnh đạo của Đảng. Họ cùng chung nhiệm vụ và luôn sát cánh bên nhau cùng chiến đấu trong mọi hoàn cảnh “Súng bên súng, đầu sát bên đầu”. Tình đồng chí ở những người lính còn được nảy nở trong suốt quá trình cùng nhau làm nhiệm vụ, tình cảm ấy càng ngày càng bền chặt và ý nghĩa hơn khi họ chung hoàn cảnh sống, chiến đấu, sống yêu thương, chia sẻ và đùm bọc lẫn nhau. “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”, tình đồng chí là cùng nhau đi qua gian lao, nguy hiểm, khó khăn, chia ngọt sẻ bùi cùng nhau và trở thành những người tri kỉ của nhau. Hai từ “Đồng chí” thốt lên cuối đoạn thơ như một lời khẳng định thiêng liêng và chắc chắn về cội nguồn hình thành nên tình đồng chí.
2. Đoạn văn phân tích cơ sở hình thành tình đồng chí qua 7 câu thơ đầu bài thơ Đồng chí, mẫu 2 (Chuẩn)
Bài thơ “Đồng chí” là trải nghiệm thực, cảm xúc thực của tác giả Chính Hữu với đồng đội tại chiến dịch Việt Bắc. Trong bài thơ, nhà thơ Chính Hữu đã dùng bảy câu thơ đầu để về cơ sở hình thành tình đồng chí. Cấu trúc câu thơ sóng đôi “quê hương anh” với “làng tôi” ; “đất mặn, đồng chua” với “đất cày lên sỏi đá” đều có chung một ý nói về xuất thân nghèo khó của những người lính. Thêm một sợi dây gắn kết họ trở thành đồng chí đó chính là tương đồng về giai cấp – đều là nông phu nghèo khó, họ từ những người xa lạ chẳng hề quen nhau nhưng đều mang trong mình dòng máu cách mạng, lí tưởng cách mạng nên đã hội tụ về cùng một mối từ đó thân quen và gắn bó với nhau tạo nên tình đồng chí. “Đôi người” chỉ sự gắn kết tự nhiên, chặt chẽ không thể tách rời. Những người lính lại cùng chung nhiệm vụ, lí tưởng đấu tranh, dù là trong cuộc sống sinh hoạt hay chiến đấu đều kề cạnh sát cánh bên nhau, nguy nan luôn có mặt để hỗ trợ và bảo vệ cho nhau “Súng bên súng, đầu sát bên đầu”. Ở nơi chiến trường gian khổ và khốc liệt, tình đồng chí đồng đội càng thêm gắn bó qua việc sẻ chia, cùng nhau trải qua sướng, khổ, buồn, vui, nguy hiểm và cả khi cái chết cận kề “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”. Tình đồng chí càng thiêng liêng hơn khi nhà thơ để dành trọn câu thơ thứ bảy để viết hai từ “Đồng chí”. Bằng giọng thơ trìu mến như tâm tình cùng những hình ảnh giản dị, chất phác, nồng hậu, đoạn thơ đã mang đến cho người đọc những cảm nhận chân thực nhất về cơ sở hình thành nên tình đồng chí và từ đó giúp người đọc khắc sâu, ghi nhớ về hai chữ thiêng liêng “Đồng chí”.
3. Đoạn văn phân tích cơ sở hình thành tình đồng chí qua 7 câu thơ đầu bài thơ Đồng chí, mẫu 3 (Chuẩn)
Có thể nói, xuyên suốt bài thơ Đồng chí của Chính Hữu đều tập trung làm nổi lên vẻ đẹp, sức mạnh của tình đồng chí, đồng đội. Trong đó bảy câu thơ đầu đã lí giải về cơ sở hình thành của tình đồng chí của những người lính. Cơ sở đầu tiên hình thành nên tình đồng chí giữa những người lính đó là chung hoàn cảnh xuất thân, hoàn cảnh ở đây được nhấn mạnh ngay trong hai câu thơ mở đầu: “Quê hương anh đất mặn, đồng chua/ Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”. Một lời giới thiệu cũng như lời nhấn mạnh về cái chung hoàn cảnh quê hương nghèo khó, dù là người miền biển đất nhiễm mặn đồng phèn chua hay người miền núi đất trơ sỏi đá thì “anh” và “tôi” đều đi ra từ những làng quê nghèo, điều kiện sống khắc nghiệt và đều là những người nông dân tay lấm chân bùn. Họ đều trải qua cuộc sống khó khăn, nhọc nhằn, tương đồng về xuất thân lại tương đồng cảnh ngộ nên họ dường như tìm thấy được điểm chung. Tình đồng chí còn được hình thành từ sự hòa hợp về nhận thức và niềm tin vào lí tưởng cách mạng, chung mục đích chiến đấu, đều xuất phát từ một lòng nồng nàn yêu nước, mang trong mình sứ mệnh đấu tranh và cùng đi theo ngọn đuốc cách mạng của Đảng. Từ những người xa lạ họ đã về đứng trong cùng hàng ngũ, cùng chung một kẻ thù chung mục đích chiến đấu, luôn sát cánh bên nhau, hỗ trợ cho nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ được giao”Súng bên súng, đầu sát bên đầu”. Cuối cùng, tình đồng chí ở những người lính có được sự thiêng liêng không gì sánh bằng chính nhờ sự keo sơn gắn bó trong suốt quá trình cùng nhau chiến đấu nơi chiến trường. “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”, không cùng nhau trải qua khó khăn gian khổ sao có thể thành đồng chí, họ luôn đoàn kết với nhau như một khối thống nhất, chia sẻ chan hòa mọi gian lao vất vả, vui buồn nơi chiến trường. Ở nơi chiến trường khắc nghiệt ấy, nơi thiếu thốn cả vật chất và tinh thần, nơi họ phải vô số lần đối mặt với cái chết tình đồng chí chính là điểm tựa tinh thần vững chắc nhất, xoa dịu mọi vết thương và nỗi đau. Cùng nhau trải qua vui buồn, gian khổ, tình đồng chí ở những người lính càng bền chặt, càng đáng tự hào để rồi nhà thơ phải cất lên tiếng vang “Đồng chí”. Hai từ “đồng chí” như một lời khẳng định chất chứa trong đó biết bao niềm xúc động về tình cảm gắn bó thiêng liêng, sâu nặng. Đọc hết đoạn thơ ta vẫn thấy lời thơ âm vang, tha thiết, chân thành mà cảm động, những hình ảnh về đồng chí cách mạng vẫn còn hiện lên với vẻ đẹp thật giản dị mà thiêng liêng.
—————-HẾT—————
Những bài văn cảm nhận về tình đồng chí sẽ giúp các em hiểu rõ hơn về thứ tình cảm này cũng như giá trị tư tưởng của bài thơ Đồng chí. Mời các em cùng tham khảo trong một số bài văn sau: Đoạn văn phân tích biểu tượng cao đẹp của tình đồng chí trong 3 câu thơ cuối bài thơ Đồng chí, Đoạn văn phân tích biểu hiện đẹp của tình đồng chí trong bài thơ Đồng chí, Cảm nhận về hình ảnh đầu súng trăng treo trong bài thơ Đồng chí, Phân tích 7 câu thơ đầu trong bài thơ Đồng chí.