Giáo dục

Đoạn văn Phân tích bi kịch nhân vật Vũ Nương

Đề bài: Đoạn văn Phân tích bi kịch nhân vật Vũ Nương

Đoạn văn Phân tích bi kịch nhân vật Vũ Nương

I. Dàn ý Đoạn văn Phân tích bi kịch nhân vật Vũ Nương (Chuẩn)

1. Mở đoạn:

– Giới thiệu tác giả Nguyễn Dữ, tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” và bi kịch của Vũ Nương.

2. Thân đoạn:

a. Giới thiệu về Vũ Nương:

– Vũ Nương tên thật là Vũ Thị Thiết, quê ở Nam Xương.
– Nàng là người con gái “thuỳ mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”.

b. Bi kịch của Vũ Nương:

– Nàng phải lấy một người chồng “không có học”:
+ Vũ Nương được Trương Sinh “mến vì dung hạnh” nên “xin mẹ đem trăm lạng vàng cưới về”.
+ Nàng không được tự do lựa chọn tình yêu, hôn nhân của mình.
+ Hơn thế, nàng còn phải lấy một người đàn ông “không có học”, tình tính lại “đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức”.

– Gia đình chia ly vì chiến tranh:
+ Nàng và chồng “sum họp chưa được bao lâu” thì chồng nàng “tuy con nhà háo phú nhưng không có học” nên bị bắt đi lính “đánh Chiêm thành”.
+ Một mình nàng phải gánh vác gia đình, lo con nhỏ, lo mẹ già.

– Chịu nỗi oan thất tiết:
+ Ba năm Trương Sinh đi lính trở về, vì một lời ngây thơ của con trai mà “đinh ninh là vợ hư”.
+ Dù Vũ Nương có biện bạch, giải thích hết lời nhưng “chàng vẫn không tin” mà còn “mắng nhiếc nàng, đánh đuổi đi”.
+ Cuối cùng Vũ Nương chọn cái chết “gieo mình xuống sông” để chứng minh sự trong sạch của mình.

c. Nguyên nhân của bi kịch:

– Do lời nói ngây thơ của bé Đản “Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư?”.
– Do sự ghen tuông mù quáng, tình “đa nghi” của Trương Sinh.
– Do chiến tranh phi nghĩa đã chia cắt vợ chồng nàng 3 năm mới gây nên hiểu lầm.

d. Đặc sắc nghệ thuật:

– Lối văn tự sự xen lẫn trữ tình.
– Kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố như kỳ ảo, …
– Miêu tả nhân vật, nội tâm nhân vật đặc sắc.

3. Kết đoạn:

– Khẳng định giá trị của tác phẩm.

II. Những mẫu Đoạn văn Phân tích bi kịch nhân vật Vũ Nương hay nhất

1. Đoạn văn Phân tích bi kịch nhân vật Vũ Nương, mẫu 1 (Chuẩn)

“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”

Đó là những lời thương thân của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa. Họ là những người có nhan sắc, phẩm hạnh nhưng chỉ là những thân phận nhỏ bé, chịu đủ những bất công, những định kiến nghiệt ngã của xã hội. “Chuyện người con gái Nam Xương” của tác giả Nguyễn Dữ là một trong những tác phẩm trung đại hay nhất viết về người phụ nữ. Vũ Nương là một người con gái xinh đẹp, nết na, “tư dung tốt đẹp”. Trương Sinh “mến vì dung hạnh” mà “xin mẹ đem trăm lạng vàng cưới về”. Cuộc sống hôn nhân của nàng và chồng vẫn luôn hạnh phúc và êm ấm vì nàng luôn “giữ gìn khuôn phép, không từng để lúc nào vợ chồng phải đến thất hoà”. Thế nhưng cuộc sum vầy hạnh phúc của nàng và chồng chưa được bao lâu thì chồng nàng bị “triều đình bắt lính đi đánh giặc Chiêm”. Đó chính là khởi đầu cho bi kịch cuộc đời nàng. Chồng đi lính xa nhà, một tay nàng lo toan, gánh vác gia đình. Nàng lo cho con nhỏ mới sinh, lo cho mẹ già ốm đau vì thương nhớ con trai. Đến khi mẹ chồng mất, nàng cũng “ma chay tế lễ, lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình”. Tấm lòng của nàng, công lao của nàng đã được mẹ chồng công nhận. Vậy mà người phụ nữ nết na, đoan trang ấy lại phải chịu danh là thất tiết. Nàng bị chồng nghi ngờ là “hư thân” rồi “mắng nhiếc”, “đánh đuổi” nàng đi mặc cho Vũ Nương có biện bạch, hàng xóm có “bênh vực”. Nhưng Trương Sinh đều nhất quyết không nghe, không tin, luôn lấy “chuyện bóng gió này nọ” mà chỉ trích, mắng nhiếc vợ mình. Đó là nỗi bi kịch lớn nhất cuộc đời của Vũ Nương, dù có bao nhiêu năm vẫn chẳng thể gột sạch nỗi hàm oan thấu trời đó và nàng đã phải dùng chính mạng sống của mình để chứng minh cho sự trong sạch của bản thân. Mà nguyên nhân của bi kịch cuộc đời nàng lại đến vì một lời nói ngây thơ của con trai “thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả”. Thế nhưng ngọn nguồn của bi kịch ấy phải chẳng là do tính “đa nghi”, ghen tuông mù quáng của Trương Sinh, không tin tưởng vợ của mình, hay là do chiến tranh phi nghĩa của triều đình phong kiến đã khiến hai vợ chồng nàng phải rời xa nhau mới dẫn tới sự đau lòng đó? Nhưng dù nguyên nhân là gì thì đó cũng là lời tố cáo xã hội phong kiến đã ép bước người phụ nữ tới đường cùng bằng những lễ giáo, lề thói, bằng tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của mình. Bằng cách dựng truyện đặc sắc, nghệ thuật miêu tả nhân vật kết hợp giữa trữ tình và tự sự, Nguyễn Dữ đã dựng lên hình tượng Vũ Nương với những đức tính truyền thống của người phụ nữ Việt nhưng lại có số phận bi kịch, đau đớn vô cùng.

2. Đoạn văn Phân tích bi kịch nhân vật Vũ Nương, mẫu 2 (Chuẩn)

Những người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa phải sống trong những định kiến, những lề thói của lễ giáo. Họ không có quyền tự do cũng không có quyền được hưởng hạnh phúc họ đáng có. Trong tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương”, thông qua nhân vật Vũ Nương, nhà văn Nguyễn Dữ đã tái hiện sống động cuộc đời và số phận của những người phụ nữ xưa. Vũ Nương là người con gái không chỉ xinh đẹp, dịu dàng mà có “tư dung tốt đẹp”. Nàng xứng đáng có được một tình yêu và một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Thế nhưng nàng lại được gả cho Trương Sinh – một tên con trai nhà “hào phú nhưng không có học”. Hơn thế, Trương Sinh lại còn có “tính đa nghi, đối với vợ phòng ngừa quá sức”. Đó có thể nói là bi kịch đầu tiên trong cuộc đời của Vũ Nương. Thế nhưng, trong những ngày tháng chung sống, nàng đã hóa giải được nhờ”giữ gìn khuôn phép”. Chiến tranh nổ ra, Trương Sinh phải đinh lính, đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới bi kịch đau khổ nhất của cuộc đời nàng. Chồng đi lính xa nhà 3 năm là 3 năm Vũ Nương một mình lo lắng cho gia đình, lo cho con nhỏ, cho mẹ già bệnh tật. Đến khi mẹ chồng mất, nàng cũng một mình lo toan “ma chay tế lễ” cẩn thận, chu đáo “như đối với cha mẹ đẻ mình”. Vậy mà người phụ nữ hiếu thảo, đảm đang ấy lại phải chịu nỗi oan thấu trời, nỗi oan trái to lớn nhất của một người phụ nữ xưa – nỗi oan thất tiết. Chồng nàng trở về sau 3 năm, lại chỉ vì một lời ngây thơ của con trẻ mà “đinh ninh là vợ hư”. Vũ Nương đã hết lời thanh minh, giải thích nhưng không được thấu hiểu, cuối cùng nàng đã chọn cái chết để chứng minh tấm lòng trong sạch của mình. Nguyên nhân gây nên bi kịch cho cuộc đời Vũ Nương, đầu tiên có thể kể đến tính đa nghi, hay ghen của Trương Sinh. Chì vì một lời nói ngây thơ của con trẻ mà nghi ngờ vợ thất tiết. Và phải chăng chính xã hội phong kiến với chiến tranh phi nghĩa kia cũng là phần nào tạo nên bi kịch cho số phận của người phụ nữ truyền thống như Vũ Nương? Nguyễn Dữ đã dùng lối văn tự sự kết hợp trữ tình cùng với cách miêu tả nhân vật, nội tâm nhân vật đặc sắc để dựng lại số phận bất hạnh của Vũ Nương. Chuyện người con gái Nam Xương là tác phẩm trung đại điện hình cho số phận oan trái người phụ nữ Việt Nam thời phong kiến.

3. Đoạn văn Phân tích bi kịch nhân vật Vũ Nương, mẫu 3 (Chuẩn)

“Chuyện người con gái Nam Xương” là một tác phẩm truyện truyền kì kể về số phận oan trái của người con gái mang tên Vũ Nương. Nhà văn Nguyễn Dữ đã tái hiện sinh động những bi kịch mà người phụ nữ xưa thông qua cuộc đời và số phận của Vũ Nương. Vũ Nương vốn là một người con gái “tính tình thuỳ mị, nết na lại thêm tư dung tốt đẹp” nhưng lại có một cuộc đời không hạnh phúc. Nàng buộc phải gả cho Trương Sinh – một tên con nhà hảo phú “nhưng không có học” lại thêm tính “đa nghi” và ghen tuông quá mức. Đó là mối bi kịch đầu tiên trong cuộc đời của Vũ Nương. Thế nhưng bi kịch thực sự của nàng xảy ra khi chiến tranh nổ ra và Trương Sinh bị “bắt lính đi đánh giặc Chiêm”. Trương Sinh xa nhà, Vũ Nương thay chồng gánh vác gia đình, chăm con, chăm mẹ chồng già. Thế nhưng, vì một lời nói ngây thơ của con trai “Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư?” mà Trương Sinh một mực nghi oan cho vợ “đinh ninh” rằng vợ mình đã hư thân. Chàng ta đã “mắng nhiếc” vợ mình, thậm chí còn “đánh đuổi” nàng đi mặc cho nàng có bao nhiêu lời biện bạch. Nỗi đau ấy quá lớn khiến cho Vũ Nương dường như chẳng thể nào chịu đựng nổi và cuối cùng nàng đành lựa chọn “gieo mình xuống sông”, lấy cái chết để chứng minh cho sự trong sạch của mình. Bi kịch đau đớn nhất cuộc đời Vũ Nương lại đến từ những nguyên nhân bé nhỏ, từ một lời ngây thơ của con trai, từ sự không tin tưởng, sự ghen tuông mù quáng của người chồng. Và hơn thế, bi kịch số phận của Vũ Nương cũng là một phần do chiến tranh mà triều đình phong kiến tham gia gây nên. Không có chiến tranh, không có chia ly vợ chồng thì làm sao gây nên mối hiểu nhầm to lớn nhường ấy chứ? Nguyễn Dữ đã khéo léo vận dụng cách kể chuyện xen lẫn với trữ tình, sử dụng thêm các yếu tố kì ảo, cùng cách miêu tả nhân vật độc đáo đã giúp người đọc hiểu rõ về tính cách cũng như số phận đầy bi kịch của Vũ Nương.

—————–HẾT—————-

Để tìm hiểu thêm về thân phận, bi kịch cũng như vẻ đẹp của người phụ nữ xưa qua nhân vật Vũ Nương cũng như tác phẩm Chuyện người con gái Nam Xương của tác giả Nguyễn Dữ, mời các bạn đọc cùng tham khảo các bài viết như: Đoạn văn Phân tích yếu tố kì ảo trong Chuyện người con gái Nam Xương, Đoạn văn Phân tích chi tiết cái bóng trong Chuyện người con gái Nam Xương, Đoạn văn Phân tích kết thúc Chuyện người con gái Nam Xương, Phân tích vẻ đẹp nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button