Đề bài: Phân tích vẻ đẹp của con người lao động trong Lặng lẽ Sa Pa
Phân tích vẻ đẹp của con người lao động trong Lặng lẽ Sa Pa
I. Dàn ý Phân tích vẻ đẹp của con người lao động trong Lặng lẽ Sa Pa (Chuẩn)
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Nguyễn Thành Long, truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, dẫn dắt vào vấn đề – vẻ đẹp của con người lao động trong Lặng lẽ Sa Pa.
2. Thân bài
a. Những con người lao động cống hiến thầm lặng:
* Anh thanh niên:
– Sống và làm việc một mình trên đỉnh núi cao, làm công tác khí tượng.
– Chăm chỉ, trách nhiệm với công việc. Coi công việc như người bạn, thiếu việc thì “buồn đến chết mất”.
* Ông kĩ sư, đồng chí nghiên cứu sét.
– Ông kĩ sư vườn rau Sa Pa cần mẫn, chăm chỉ, hàng ngày ra vườn rau chăm sóc chi chút.
– Đồng chí nghiên cứu bản đồ sét đã mười một năm ròng túc trực chờ sét để hoàn thiện bản đồ.
b. Người nghệ sĩ trăn trở trong hành trình lao động nghệ thuật:
– Ông họa sĩ già khao khát đi tìm đối tượng của nghệ thuật.
– Muốn gửi gắm trong tác phẩm của mình về nét đẹp con người lao động thầm lặng như anh thanh niên.
– Cô kĩ sư trẻ khát khao được cống hiến; rời xa thành phố, tình nguyện về công tác ở miền núi sau khi ra trường.
3. Kết bài
Khẳng định vẻ đẹp của con người lao động
II. Bài văn mẫu Phân tích vẻ đẹp của con người lao động trong Lặng lẽ Sa Pa (Chuẩn)
Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long là một bức tranh đẹp về cảnh thiên nhiên núi rừng Sa Pa và cũng là bức tranh về những con người lao động thầm lặng. Vẻ đẹp của những con người lao động được vẽ trên nền thiên nhiên tươi đẹp và bình lặng, yên ả của Sa Pa. Bên cạnh những con người lao động và cống hiến ở mảnh đất Sa Pa như anh thanh niên, ông kỹ sư, anh cán bộ kĩ thuật, ta còn thấy được vẻ đẹp lao động ở những nhân vật trên chuyến xe lên đây như ông họa sĩ và cô kĩ sư.
Trên nền Sa Pa lặng lẽ, ta cảm nhận được vẻ đẹp của những con người hăng say lao động, đó là những con người có tinh thần lao động tự giác, yêu và hết lòng với công việc của mình. Mỗi nhân vật đều có công việc, lối sống, lối suy nghĩ khác nhau nhưng ta vẫn tìm thấy ở họ điểm chung của vẻ đẹp lao động trong con người họ. Trước hết là những con người lao động và cống hiến trong thầm lặng trên cái lặng lẽ của Sa Pa. Anh thanh niên là nhân vật chính của truyện, hình ảnh anh thanh niên như một “kí họa chân dung” bị khuất lấp vào trong mây mù bạt ngàn và cái lặng lẽ muôn thuở của núi cao. Anh thanh niên sống và làm việc một mình trên đỉnh Yên Sơn. Công việc hàng ngày đo gió, đo mưa, đo nắng, tính mây, đo chấn động mặt đất của anh phục vụ rất nhiều cho lao động, sản xuất và chiến đấu. Với tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, anh thanh niên luôn đúng giờ “ốp” và mặc cho điều kiện thời tiết có khắc nghiệt cỡ nào cũng không thể cản trở anh ra ngoài làm việc. Ở chàng thanh niên trẻ mới 27 tuổi này, việc chọn cống hiến lặng lẽ nơi đây cho ta thấy vẻ đẹp của một lòng yêu nghề, yêu lao động, ý thức được công việc thầm lặng của mình là có ích cho cuộc sống, cho mọi người. Anh thanh niên có những suy nghĩ rất đúng đắn và sâu sắc về công việc đối với cuộc sống “khi ta làm việc, ta với công việc là đôi… Công việc của cháu khổ thế đấy, chứ cất nó đi, cháu buồn đến chết mất”.
Trong cái lặng lẽ của Sa Pa ta không chỉ biết đến có anh thanh niên đang lao động trong thầm lặng mà còn có bác kĩ sư vườn rau và anh cán bộ kĩ thuật. Cả hai người này đều là người mà anh thanh niên giới thiệu cho bác họa sĩ – là những người đáng vẽ. Ông kỹ sư vườn rau đại diện cho vẻ đẹp lao động chăm chỉ, cần mẫn và cống hiến cả một đời người, tại vườn rau Sa Pa. Hàng ngày, ông ngồi trong vườn chăm chú quan sát cách lấy mật của ong, rồi lại tự tay thụ phấn cho hàng vạn cây su hào và còn biết bao cây khác để cho ra được hạt giống tốt hơn. Ông làm việc bằng cái tâm, bằng tất cả tấm lòng, sự cẩn thận, chăm chút và tỉ mỉ trong công việc khiến ta phải thán phục. Còn nữa là anh cán bộ nghiên cứu, đã mười một năm ròng, anh vẫn cố thủ túc trực ngày này qua ngày khác để chờ sét đánh, anh săn đón những lần sét đánh để lập nên bản đồ sét, dựa vào đó để tìm kiếm tài nguyên ẩn sâu trong lòng đất cho đất nước. Công việc của anh không tạo ra tiền bạc, của cải nhưng lại là công việc phục vụ cho những hoạt động sản xuất, phát triển của đất nước. Cả ba nhân vật sống và làm việc tại Sa Pa đã tạo nên một cái thế giới những con người miệt mài lao động khoa học lặng lẽ mà khẩn trương, tất cả vì lợi ích đất nước, vì cuộc sống của mọi người.
Bên cạnh những con người lao động ở Sa Pa, ta còn bắt gặp những chân dung những con người lao động thầm lặng trong chuyến xe lên Sa Pa. Đó là ông họa sĩ và cô kĩ sư trẻ. Đối với ông họa sĩ già, vẻ đẹp lao động trong con người ông chính là sự miệt mài tìm kiếm cống hiến cho nghệ thuật không biết mệt mỏi. Trong con người ông luôn chứa đựng niềm khao khát mãnh liệt đi tìm đối tượng của nghệ thuật, nghệ thuật của ông đem đến cho cuộc sống những dư vị, làm cho cuộc sống thêm sáng đẹp và chứa đựng những chiều sâu tư tưởng. Ngay khi gặp được anh thanh niên, ông đã muốn gửi gắm trong tác phẩm của mình nét đẹp con người lao động thầm lặng như anh thanh niên. Cô kĩ sư trẻ thì khác, mới ra trường nên chuyến đi thực tế này đã làm cho cô có thêm những hiểu biết về cuộc sống và thế giới của những con người làm việc trong cô đơn, thầm lặng. Chuyến đi và cuộc gặp gỡ anh thanh niên đã giúp cô kĩ sư trẻ có cái nhìn khác về con đường mà cô đã chọn (lên công tác tại miền núi), cô càng yên tâm về quyết định của mình và càng khát khao được cống hiến. Cô gái bỏ lại mối tình nhạt nhẽo và bừng dậy niềm yêu lao động, tình cảm lớn lao, lao động như ánh sáng đẹp tỏa ra từ cuộc sống. Chất trữ tình là yếu tố góp phần tạo nên thành công của truyện ngắn này, vừa toát lên trong phong cảnh thiên nhiên thơ mộng Sa Pa lại thấm đượm vẻ đẹp của cuộc sống một mình giữa thiên nhiên lặng lẽ. Tình huống truyện với cuộc gặp gỡ tình cờ giữa ba nhân vật đã để lại nhiều dư vị, cả những suy nghĩ về cuộc sống, cuộc đời và nghệ thuật của mỗi nhân vật.
Chất thơ bàng bạc trong Lặng lẽ Sa Pa khiến ta mãi vấn vương về ý nghĩa và vẻ đẹp của những con người lao động rất bình dị, lặng lẽ. Qua tác phẩm, tác giả đã gợi ra cho chúng ta những suy nghĩ về niềm vui của lao động tự giác, lao động vì những mục đích chân chính, và hơn hết và vẻ đẹp trong những con người lao động luôn sáng ngời.
—————-HẾT—————–
Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa còn để lại cho ta nhiều cảm nhận sâu sắc, để tìm hiểu cụ thể về truyện ngắn này các em có thể tham khảo trong một số bài viết sau: Cảm nhận về truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, Cảm nhận chất thơ trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, Viết đoạn văn cảm nhận về nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa, Đóng vai ông họa sĩ kể lại truyện Lặng lẽ Sa Pa.