Tìm hiểu về ý nghĩa chữ lộc trong tiếng Hán, học chữ lộc tiếng Hán như thế nào. Cách viết chữ lộc trong tiếng Trung đẹp.
“Lộc” là một trong ba chữ trong câu chúc tết của người Việt đó là “Phúc-Lộc-Thọ”. Vậy chữ lộc trong tiếng Hán có ý nghĩa như thế nào mà ai cũng mong muốn thật nhiều. Cùng tiếng Trung THPT Thanh Khê tìm hiểu về chữ lộc để mọi người cùng sáng tỏ.
1. Ý nghĩa chữ Lộc trong quan điểm người Trung Hoa
Chữ LỘC trong văn hóa xưa thường nhắc người ta nhớ tới cảnh vinh quy bái tổ. Tôi nhớ ai đó ở Bến Tre kể về vị tiến sỹ đầu tiên ở đất Nam Kỳ về Ba Tri… Ngài đã đi bộ từ ngoài lộ qua bưng, qua vườn đến nhà tranh trong vườn để lạy thầy giáo của mình rồi sau đó mới về lạy cha, lạy mẹ… Sắp có bổng lộc triều đình, Phan Thanh Giản đã làm ta phải nể kính một nhân cách lồng lộng…
Thời xưa, Lộc tức là bổng lộc mà các Quan được nhận. Có thứ Lộc của Vua ban, có thứ Lộc của dân biếu. Vua ban để ghi nhận công lao của các Quan đã chí công vô tư, thay Vua cai quản, chăn dắt đám dân chúng dưới quyền! Còn dân kính biếu Quan, để bày tỏ lòng biết ơn về một công việc gì đó, quan đã vì quyền lợi chính đáng của dân, mà làm. Như vậy hoàn toàn có thể nói Lộc chính là sự ghi nhận công lao các Quan: công lao với dân và công lao với Vua, với nước. Lộc là thành quả, sự đền đáp xứng đáng của công lao.
Lộc biểu tượng cho một trong những hạnh phúc lớn nhất của đời người đó là tài tộc dồi dào. Lộc còn bao hàm ý nghĩa may mắn, phúc tốt lành. Mỗi độ Tết đến, cùng với chữ Phúc, Thọ, người Việt Nam thường treo bộ tranh ba chữ Phúc – Lộc – Thọ để cầu mong tài lộc đến với mỗi người. Người dân còn có tục lệ đi hái lộc vào những ngày đầu năm mới. Người ta hái những lộc non về như đem tài lộc, may mắn về với gia đình trong suốt năm.
Tài Lộc cũng như chồi lộc non mùa xuân. Mùa xuân chồi lộc đua nhau xanh mơn mởn. Lộc non là thành quả của những ngày đông rét mướt trong kén lá. Lộc non tô điểm cành đào ngày Tết. Người Việt Nam chuộng những cành đào có cả lộc non xanh mơn mởn và hoa đào tươi hồng. Giống như, bên cạnh sức khỏe và hạnh phúc, người người đều mong muốn tài lộc để đủ đầy thêm hạnh phúc của mình. Lộc như chồi non, làm mơn mởn cuộc sống sung túc của mỗi người.
2. Tại sao các thánh hiền lại không coi trọng chữ lộc
Những vở tuồng cổ kể về những câu chuyện đậu đạt, có quan Lộc thường theo một motip 3 chặng:
Nhân vật mang mặt nạ trắng, mặc áo đỏ, đi 3 vòng quanh sân khấu. Anh ta chỉ cười mà không nói.
Anh ta bồng một đứa bé rất kháu khỉnh, rồi lại lượn 3 vòng trên sân khấu.
Anh ta ra sân khấu với tiền hô hậu ủng, mang theo 4 chữ GIA QUAN TIẾN LỘC nghĩa là “Thăng quan tiến Lộc”…
Bây giờ nói về cá Chép. Truyền thuyết kể rằng: Ngày xưa ở sông Hoàng Hà, con sông nuớc chảy rất dữ dội có đàn cá Chép bơi ngược dòng đến để nhảy qua Vũ Môn. Con nào vượt được dù lành lặn hay “trầy vi tróc vảy”, mang miệng dù bị chảy máu vẫn được hóa Rồng.
Đời Tống khi nói LÝ NGƯ KHIÊU LONG MÔN là chỉ những người đã trót lọt những khoa thi Hương, thi Hội, thi Đình như cụ Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến sau này. Họ sẽ ra làm quan. Mà “một người làm quan cả họ được nhờ”.
Có một chữ LỘC tiếng Hán đồng âm với “Lộc” mà chúng ta đang bàn này có nghĩa là con cá Chép (người Việt đọc là Lý chứ không đọc Lộc). Đây là lý do tranh Tết treo cá Chép nuốt Trăng. Tại sao đêm trăng trung thu lại rước đèn Cá Chép… Đó là ước mơ vượt Vũ Môn, hóa Rồng, có quyền lực. Quả thật muốn làm quan to, quyền cao chức trọng thì phải đoạt Giải Nguyên. Chữ GIẢI lại là con cua. Mua Cua cho nó cắn mấy trò lười học nhất định có ngày giải nguyên.
Chữ LỘC là danh lợi cho nên bàn về nó thật rắc rối “Quyền LỘC cũng lắm công phu”. Từ con Hươu tìm linh chi đang mọc sừng, mọc lộc, đang chạy nặng nề với cùng ông Phán Mọc Sừng bỗng dưng nhảy ùm xuống sông Hoàng Hà làm trọng tài ném những con Chép vượt Vũ Môn.
Muốn được LỘC nhiều thì làm quan to. Công, Hầu, Bá, Tư, Nam… Làm Công như Trần Hưng Đạo Quốc Công tiết chế thì có mà mơ. Làm Nam tước, Tử tước thì đi đâu cũng đã có “tiền hô hậu ủng” rồi. Cũng không hiểu sao, nhân vật Từ Hải ở truyện Kiều trong con mắt triều đình là giặc cỏ nhưng khi lập ra một bờ cõi “rạch đôi sơn hà” thì cụ Nguyễn lại gọi là TỪ CÔNG:
“Từ Công nghe nói thủy chung”
Hoặc :
“Từ Công sánh với phu nhân cùng ngồi”.
Cho hay, cái nhìn của Nguyễn Du, cách dùng từ của cụ quả là động chạm tới nhãn quan của vua chúa. Chẳng trách mà Tự Đức muốn đánh Cụ 300 roi! Chỉ cần được ban cho Hầu Tước là vị quan ấy đã được Phong cho hàng ngàn mẫu đất để Kiến tạo cơ đồ. Hóa ra PHONG KIẾN chính là chế độ cho chữ Lộc được nói tới nhiều nhất.
Có một chư “̃Hầu” đồng âm là “con Khỉ”. Vì thế ẤN PHONG HẦU là ấn phong cho con khỉ. Các bạn chú ý bức tranh con khỉ đang bất chấp ngã dập mặt đưa tay giành ấn. Chữ LỘC có biểu tượng là con Khỉ. Ai nói giành Lộc với thiên hạ lại không nguy hiểm? Khi vào triều thì phải HANH THÔNG QUAN LỘ. Vì thế mà ta gặp nghịch cảnh làm trò thật hài hước: con Khỉ ngồi trên lưng ngựa như chiến tướng xưa định uống rượu ngon nhưng nghe tiếng đàn tỳ bà giục lên yên cương sống mái chốn sa trường, vi vu ra chiến địa.
Ta gọi câu chuyện kiếm công danh, kiếm LỘC bằng mọi giá này là: MÃ THƯỢNG ĐÁO HẦU. Mọi người hãy tìm bức tranh hài này mà nhìn trước lúc mơ về Lộc nhé! Hình như bức tranh lem nhem quá. Vì LỘC mà lem nhem có ai chịu không? Bức tranh thể hiện khát vọng thăng quan tiến chức thật nhanh. Phải Nhất phẩm triều đình mới là bước thứ nhất…
Chữ LỘC còn dính tới cụm từ: “Quan thượng gia quan”. Mào gà trống trong tiếng Tàu là “Quan”. Do đó, khi vẽ con gà trống đứng oai vệ bên những bông Mồng Gà thì ta biết đó là lời chúc thăng quan tiến chức thật nhanh. Chữ “Quan” ở sau là “mũ nón”. Thay kiểu mũ tức là thay chức tước nên cụm từ trên được dịch là: “Lên quan, gia tăng chức tước”. Cũng nói thêm, con gà là linh vật đuổi tà. Đấy, để lấy bổng LỘC quyền lực phải đấu với người, đấu với ma quỷ, phải mang tội sát sinh không biết bao nhiêu gà qué tiêu đời, không biết làm lợi cho bao nhiêu lão thầy bói đưa chân gà về treo giàn bếp hong khói để “quét nhà ra rác”.
Hết động vật, người ta tìm Lộc trong hoa lá. Hoa Mẫu Đơn gọi là hoa phú quý. Cho nên người cầu lộc không thể thiếu hoa này. Nghe nói đây là loài hoa làm cho Từ Hy Thái hậu mê tới phát cuồng… Bộ 3 Mẫu Đơn, Ngọc Lan, Hải Đường gọi là: NGỌC ĐƯỜNG PHÚ QUÝ. Nghĩa là: “giàu sang điện ngọc”. Khi kết hợp bộ tứ: Sen, Cúc, Mận, Mẫu Đơn thì gọi là: TỨ QUÝ BÌNH AN. Nghĩa là “bình an bốn mùa”.
Vật lộn với chữ Lộc là đặt mình trong tình thế mong manh giữa chính và tà, giữa tốt và xấu. Quyền lực càng tuyệt đối, tha hóa càng tuyệt đối. Lòng tham con người là vô đáy… Cái Lợi cái LỘC cho người ta tăng trưởng cái phần “con” của con người tha hóa. Đặc biệt là con người hôm nay không kính Trời, kính Phật, chỉ biết lợi. Họ dùng tiền bạc để có “chức vị”. Sau đó dùng chức vị để có tiền bạc, hưởng thụ…
Người xưa có 2 chữ “Lộc Đố” nghĩa là làm sâu làm mọt, đục khoét dân mà có Lộc (Đố là con mọt gỗ). Chắc gương Hòa Thân giàu có hơn cả triều đình nhà Thanh bị tử hình là một bằng chứng. Đổng Trác bị treo thây ngoài chợ, Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai mổ sống người để bán nội tạng làm giàu đang chờ “Hiện thế hiện báo”…
Cần nhắc lại nàng Kiều khi làm phu nhân, làm vợ Từ Hải đã bị cái bả quyền lực này làm tha hóa nhân cách. Chữ LỘC biến người ta theo chủ nghĩa cơ hội, thành hợm hĩnh, thành người tự dối chính mình. Đây là tính toán của một người cơ hội:
Sao bằng LỘC trọng QUYỀN cao,
CÔNG DANH ai dứt lối nào cho qua…
Với chừng ấy câu chữ nhàn đàm về chữ Lộc, chúng ta đã có thể phát hiện ra ý nghĩa ẩn dụ thú vị ở những hình ảnh, những hình tượng trong hội họa, trong kiến trúc xưa. Hình ảnh quen thuộc là chú Hươu, con Cá Chép. Nhưng chữ Lộc không đơn giản là như vậy. Danh, Lợi, Tình vốn gắn với thế giới Mê của con người, là đặc sản của nhân loại. Con người vì ba chữ này mà sống. Do đó chữ Lộc cũng thật nhiêu khê, rắc rối…
Nhưng đó là những người có sự am hiểu sâu rộng về sách Thánh Hiền còn chúng ta ai cũng mong muốn rằng trong năm mới, gia đình sẽ có thật nhiều tài lộc, phát tài, gia đình thịnh vượng. Và đó cũng là lời chúc chúng ta thường dành cho nhau mỗi dịp năm mới.
Ngôn ngữ chính là một trong những cây cầu giúp chúng ta tìm hiểu lịch sử và văn hóa Trung Quốc, còn rất nhiều điều thú vị về nơi đây để chúng ta khám phá và cũng là động lực để chúng ta thêm hứng thú với mỗi bài học tiếng Trung được giảng dạy tại trung tâm tiếng Trung THPT Thanh Khê.
Xem thêm:
Tìm hiểu văn hóa, học tập tiếng Trung cùng THPT Thanh Khê ngay tại đây bạn nhé.