Đề bài: Đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin cải chính
Đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin cải chính
I. Dàn ý Đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin cải chính (Chuẩn)
1. Mở đoạn
Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề – diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin cải chính
2. Thân đoạn
– Tâm trạng: sung sướng, hạnh phúc:
+ Nét mặt vừa buồn thui, chán nản, mệt mỏi trước đó bỗng tươi tỉnh và rạng rỡ hẳn.
+ Vui vẻ ra đường mua bánh về chia cho con.
+ Đi đây đó khỏe với những người ông gặp cái tin nhà bị Tây đốt bằng niềm hồ hởi như một đứa trẻ vừa được ai đó khen tặng.
+ Lời nói: “Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ! Đốt sạch !Đốt nhẵn! Ông chủ tịch làng tôi vừa mới lên trên này cải chính.” “
– Nghệ thuật xây dựng nhân vật:
+ Tình huống truyện độc đáo, mở nút thắt.
+ Xây dựng tính cách nhân vật qua điệu bộ, cử chỉ, hành động.
=> Ông Hai là một người yêu làng, yêu cách mạng, đại diện cho vẻ đẹp phẩm chất của người nông dân Việt Nam trong kháng chiến.
3. Kết đoạn
Khẳng định vẻ đẹp của nhân vật.
II. Những Đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin cải chính hay nhất
1. Đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin cải chính, mẫu 1 (Chuẩn)
Trong truyện ngắn “Làng”, nhà văn Kim Lân đã xây dựng nên một hình tượng nhân vật điển hình đặc sắc, đó là nhân vật ông Hai, một người nông dân yêu nước, yêu cách mạng. Tình yêu làng của ông Hai được thể hiện rõ nhất qua những diễn biến tâm trạng của ông Hai khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc được cải chính. Lúc nghe tin nhà bị giặc đốt, làng bị xâm chiếm, ông Hai vui sướng vô cùng. Cái nét mặt vừa buồn thui, chán nản, mệt mỏi trước đó bỗng tươi tỉnh và rạng rỡ hẳn. Ông vui vẻ ra đường mua bánh về chia cho những đứa con thân yêu của mình rồi đi đây đó khoe với những người ông gặp cái tin nhà bị Tây đốt bằng niềm hồ hởi như một đứa trẻ vừa được ai đó khen tặng. Ông xem việc nhà bị Tây đốt là niềm tự hào bởi đó là mình chứng cho sự trong sạch, sự trung thành của gia đình ông, của quê hương ông với cách mạng, với kháng chiến. Có thể nói ông đã đặt tình yêu nước trên cả những tình cảm, lợi ích cá nhân, gia đình. Bằng tình huống truyện mở nút, cùng cách xây dựng nhân vật qua điệu bộ, cử chỉ, hành động, Kim Lân đã làm sáng ngời những vẻ đẹp trong phẩm chất của nhân vật. Qua đó, cũng bày tỏ niềm trân trọng của tác giả dành những người nông dân Việt Nam chân chất, thật thà, yêu cách mạng.
2. Đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin cải chính, mẫu 2 (Chuẩn)
“Làng” của Kim Lân là một truyện ngắn tiêu biểu viết về đề tài người nông dân. Trong tác phẩm, nhân vật ông Hai được khắc hoạ vô cùng sinh động thông qua tình huống nghe tin làng chợ Dầu theo giặc và khi nghe tin làng Chợ Dầu được cải chính. Trước đó, những ngày sau khi nghe tin làng chợ Dầu theo giặc, ông luôn sống trong mặc cảm, tội lỗi, thu mình vào trong chính căn nhà thuê cùng những đứa con. Khi nghe từ người báo tin làng chợ Dầu bị đốt, ông Hai sung sướng như được hồi sinh một lần nữa: “Cái mặt buồn thiu mọi ngày bỗng tươi vui rạng rỡ hẳn lên”. Sự hồi sinh trong tâm trạng của nhân vật được thể hiện không chỉ qua nét mặt mà còn được bộc lộ qua hành động, ông ra đường mua bánh chia cho con, lật đật tìm khỏe với mọi người cái tin “Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ! Đốt sạch! Đốt nhẵn! Ông chủ tịch làng tôi vừa mới lên trên này cải chính.” “Ông cứ múa tay lên mà khoe với mọi người”. Thật kì lạ, một người mất hết cả cơ ngơi của mình mà cũng không mảy may một chút đau xót, buồn tiếc mà trái lại là niềm sung sướng khôn tả. Phải chăng sự cháy rụi của căn nhà chính là minh chứng đẹp đẽ cho tình yêu đất nước, cho lòng trung thành của quê hương ông với cách mạng. Tâm trạng sung sướng mãnh liệt từ nhân vật đã thể hiện một cách cản động tinh thần hi sinh vì kháng chiến của ông Hai nói riêng và người nông dân Việt Nam nói chung. Qua hình ảnh nhân vật ông Hai, một lần nữa Kim Lân đã bày tỏ niềm trân trọng của mình trước những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam: yêu nước, nhân ái, đoàn kết.
3. Đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin cải chính, mẫu 3 (Chuẩn)
Nhân vật ông Hai trong tác phẩm Làng của Kim Lân là đại diện tiêu biểu cho người nông dân yêu nước trong xã hội xưa. Dưới ngòi bút của Kim Lân, hình ảnh ông Hai hiện lên sống động với tình yêu làng, yêu nước tha thiết và tấm lòng gắn bó với cách mạng. Những diễn biến tâm trạng của ông Hai khi nghe cải chính đã thể hiện rõ điều đó. Nếu như trong biến cố khi nghe làng mình theo giặc ông đau đớn, tủi hổ bao nhiêu thì khi nghe được tin đồn sai sự thật về làng mình từ ông chủ tịch xã thì ông lại vui mừng, hả hê bấy nhiêu. Trái tim và tâm hồn của người nông dân ấy như được hồi sinh một lần nữa. Thoạt tiên là những thay đổi trên nét mặt: “Cái mặt buồn thiu mọi ngày bỗng tươi vui, rạng rỡ hẳn lên”. Rồi đến những hành động, lời nói, tất cả đều xuất phát từ sự vui sướng đến tột cùng của lão nông dân. Ông mua bánh về cho các con, rồi lật đật đi khắp nơi khoe với mọi người cái tin ấy: “Tây nó đốt nhà tôi rồi bác ạ. Đốt nhẵn! ..Láo! Láo hết! Toàn là sai sự mục đích cả.” Nhà mất, đáng lẽ ra ông Hai phải buồn chứ? Nhưng không, trong người nông dân tội nghiệp ấy đang là niềm vui khi thoát khỏi những ý nghĩ không hay về làng mình, danh dự của làng được hồi sinh, còn điều gì tuyệt vời hơn thế? Chính cái tin ấy đã khẳng định lòng trung thành của ông, người chợ Dầu với kháng chiến, với cách mạng. Bằng ngòi bút sắc sảo trong việc khắc hoạ nội tâm nhân vật, Kim Lân một lần nữa đã mang đến cho người đọc những trang văn đẹp về người nông dân Việt, họ chân chất, thật thà, chung thủy với cội nguồn, cách mạng.
—————–HẾT——————
Qua các đoạn văn mẫu, các em nắm được cách thức trình bày một đoạn văn cũng như vẻ đẹp của nhân vật ông Hai trong đoạn cuối văn bản nói riêng và trong tác phẩm nói chung. Bên cạnh đó, các em tham khảo thêm: Đoạn văn phân tích diễn biến tâm trạng ông Hai khi nghe tin làng theo giặc, Đoạn văn cảm nhận về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng của Kim Lân, Cảm nhận về tình yêu làng của ông Hai trong truyện Làng, Cảm nhận về nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng.