Cùng Đọc tài liệu thử sức với một mẫu đề thi vào 10 văn chuyên của tỉnh Vĩnh Long diễn ra vào ngày 31/5/2021 như sau:
Đề tuyển sinh lớp 10 môn văn chuyên Vĩnh Long 2021
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO VĨNH LONG
ĐỀ CHÍNH THỨC
KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT CHUYÊN NĂM HỌC 2021-2022
Môn thi: NGỮ VĂN (CHUYÊN).
Khóa thi ngày: 29/5/2021
Thời gian làm bài: 150 phút (không kể thời gian giao đề)
I. ĐỌC HIỂU: (3.0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:
Cùng với sự phát triển của đất nước, văn hóa đọc đang trở lại khá tích cực. Với nhiều người, thói quen đọc sách đã trở thành nét văn hóa và giàu ý nghĩa trong đời sống thường ngày. Đọc những cuốn sách hay không những giúp con người có thêm tri thức mà còn tạo ra nhiều ý tưởng mới để sáng tạo và phục vụ cho công việc, phục vụ cuộc sống. Ngược lại, khi không đọc sách, kiến thức sẽ bị hạn chế; lối sống dễ tiêu cực, nông cạn… từ đó ảnh hưởng đến sự thành công trong tương lai.
Mua sách đã quý, nhưng mua sách để đọc mới thực sự đáng quý, đáng trân trọng. Thống kê trong năm 2020 cho thấy, trừ sách giáo khoa thì mỗi người Việt Nam chỉ đọc trung bình 1,4 cuốn sách/năm. Vì vậy, các cuốn sách trên giá mới thế mà dần trở thành “sách chết”.
[…]
Ý nghĩa của cuộc sống có thể được tìm trong từng trang sách. M.Gorki đã nói: “Sách mở ra trước mặt tôi những chân trời mới”. Hóa ra, những “chân trời mới” ở ngay bên ta, đôi khi còn nằm la liệt, phủ bụi dưới chân; chỉ là vì từ lâu, một phần trong ta đã từ bỏ thói quen đọc sách, vô tình lẫn vô tâm để sách “chết dần chết mòn”.
(Theo Khoa Minh, Ý nghĩa cuộc sống trong từng trang sách, www.qdnd.vn, 17/5/2021)
Câu 1: Bài viết nêu lên những tác hại nào của việc không đọc sách? (0,5 điểm)
Câu 2: Theo tác giả, thế nào là “sách chết”? (0.5 điểm)
Câu 3: Rút ra thông điệp tác giả gửi gắm qua câu “Ý nghĩa của cuộc sống có thể được tìm trong từng trang sách”. (1.0 điểm)
Câu 4:
a) Nêu các cách phát triển từ vựng tiếng Việt. Xác định từ Hán-Việt trong các từ sau: văn hóa, chân trời, tri thức, nông cạn, trang sách. (0.5 điểm)
b) Tìm 02 từ có mô hình cấu tạo: “Phát + x (Trong đó, “Phát” là tiếng cố định, có ý nghĩa là mở rộng theo chiều hướng tốt; “x” là các tiếng khác nhau khi nghĩa của từ thay đổi). (0,5 điểm)
II. LÀM VĂN: (7.0 điểm)
Câu 1: (2,0 điểm)
Được là chính mình – Nhu cầu chính đáng của “tuổi teen”?
Bày tỏ suy nghĩ của bản thân về vấn đề trên bằng đoạn văn khoảng 01 trang giấy thị,
Câu 2: (5,0 điểm)
Trong bài phát biểu tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X, đồng chí Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư – cho rằng:
“Văn học sẽ là một trong những nơi con người tìm đến như một điểm tựa tinh thần, niềm an ủi nâng đỡ con người, làm cho con người thực sự trở thành Con Người
(Theo www.tienphong.vn, 25/11/2020)
Điều này có đúng với bài thơ Bếp lửa – Bằng Việt, truyện ngắn Chiếc lược ngà – Nguyễn Quang Sáng?
— Hết —
– Thí sinh không được sử dụng tài liệu,
– Giám thị không giải thích gì thêm.
Đáp án tham khảo
I. ĐỌC HIỂU:
Câu 1: Theo bài viết, khi không đọc sách, kiến thức sẽ bị hạn chế; lối sống dễ tiêu cực; nông cạn… từ đó ảnh hưởng đến sự thành công trong tương lai.
Câu 2:
Theo tác giả, “sách chết” nghĩa là sách được mua về nhưng không đọc, không được dùng tới, bị lãng quên.
Câu 3: Thông điệp tác giả gửi gắm qua câu “Ý nghĩa của cuộc sống có thể tìm được qua từng trang sách”. Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, lý giải.
Gợi ý:
– Sách là chính là nguồn tri thức của nhân loại.
– Sách mở ra những chân trời mới, giúp con người mở mang kiến thức, lối sống tích cực
– Sách đôi khi giúp chúng ta khám phá ra chính bản thân mình.
-> Đọc sách chính là một cách khiến con người tìm ra ý nghĩa của cuộc sống.
Câu 4:
– Có hai cách phát triển từ vựng:
+ Biến đổi và phát triển nghĩa của từ trên cơ sở nghĩa gốc.
+ Phát triển số lượng từ ngữ (tạo thêm từ hoặc mượn từ)
– Từ Hán Việt: văn hóa, tri thức, nông cạn.
Học sinh có thể tìm các từ khác nhau đáp ứng yêu cầu của đề bài: Gợi ý: Phát triển, phát huy, phát đạt,…
II. LÀM VĂN
Câu 1:
1. Mở đoạn Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Được là chính mình – Nhu cầu chính đáng của tuổi teen?
2. Thân đoạn.
a. Giải thích
– “Được là chính mình” ở đây giống với một khái niệm trong tâm lý học là “sống thật”. Tức là nó xuất phát từ việc bạn thực sự là ai.
– Tuổi teen là chỉ lớp tuổi của những đứa trẻ mới lớn (dậy thì) và đang trong độ tuổi trưởng thành.
->Câu nói mang ý nghĩa: mỗi người sinh ra có những đặc điểm riêng, và đó là nhu cầu chính đáng của mỗi người tuổi teen.
b. Phân tích
– Tuổi teen – ở độ tuổi này, các cô cậu thường có nhiều sự thay đổi về mặt thể chất cũng như tâm sinh lý, đặc biệt là chúng có sắc thái riêng. Vì vậy cần tôn trọng cuộc sống của chúng.
– Mỗi con người sinh ra đều có khuôn mặt, hoàn cảnh, điều kiện sống khác nhau từ đó hình thành những tính cách, suy nghĩ khác nhau. Chính vì những sự khác nhau này tạo nên đặc điểm nhận dạng riêng biệt của người đó.
– Tại sao sống cần được là chính mình? Vậy hãy tự đặt ra câu hỏi bạn có muốn trở thành bản sao của người khác không?
– Xã hội phát triển là do sự khác biệt của con người tạo nên, mỗi người một cá tính góp phần làm cho cuộc sống muôn màu muôn vẻ hơn.
c. Chứng minh: Học sinh tự lấy dẫn chứng về những con người, bạn học sinh sống được là chính mình, tự tin về bản thân mình và đạt được nhiều thành công để minh họa cho bài làm của mình. Lưu ý: dẫn chứng xác thực, nổi bật, tiêu biểu, được nhiều người biết đến.
d. Phản biện
– Trong cuộc sống vẫn còn có nhiều người tự ti vào bản thân, và cố gắng trở thành bản sao của người nào đó.
– Lại có những người vì tham vọng của bản thân mà đánh mất chính mình,… những người này đáng bị xã hội thẳng thắn phê phán, chỉ trích.
– Được sống là chính mình không có nghĩa là bảo thủ và đề cao cái tôi cá nhân.
3. Kết đoạn: Khái quát lại vấn đề nghị luận: Được sống là chính mình đó là nhu cầu chính đáng của tuổi teen ; đồng thời rút ra bài học, liên hệ đến bản thân mình.
Câu 2: Phương pháp:phân tích, tổng hợp
Cách giải:
1. Mở bài:
– Giới thiệu dẫn dắt vào đề
– Khái quát tác giả tác phẩm của Bếp lửa và Chiếc lược ngà
– Nêu luận đề.
2. Thân bài
a. Giải thích nhận định:
– Văn học là bộ môn nghệ thuật lấy con người làm đối tượng nhận thức trung tâm, lấy hình tượng làm phương thức biểu đạt nội dung, lấy ngôn từ làm chất liệu xây dựng hình tượng.
– Quy luật: Cái đẹp: nhằm thỏa mãn nhu cầu về tình cảm vô cùng phong phú của con người.
– Đôi khi văn học không trực tiếp miêu tả con người nhưng con người vẫn là trung tâm mà văn học hướng tới. Văn học không chỉ phản ánh đời sống con người mà còn nói lên những mơ ước, khát vọng, những tâm tư tình cảm của con người, trong chiều sâu tâm hồn với tất cả sự đa dạng và phong phú của nó.
– Điểm tựa tinh thần: Mỗi người sẽ có những điểm tựa khác nhau. Điểm tựa có thể là bất cứ thứ gì dù vô hình hay hữu hình, ở bất cứ thời gian nào của quá khứ, hiện tại hay tương lai, trong bất cứ bối cảnh nào,miễn là nó giúp chúng ta có thể dựa vào (một phút hay nhiều năm dài) để không gục ngã, để được bình yên, để vui vẻ, yêu đời hơn, để thấy phần đời có ý nghĩa hơn vẫn luôn luôn chờ ta ở phía trước.
– Khiến con người thực sự trở thành Con người: con người biết sống là chính mình, biết sống với lý tưởng, sống một cuộc đời đầy ý nghĩa. => Văn học chính là nơi nuôi dưỡng tinh thần để từ đó hướng con người đến một cuộc đời có ý nghĩa.
b. Chứng minh:
* Chứng minh nhận định qua Bếp lửa – Bằng Việt
+ Bếp lửa xuất hiện với hình ảnh “chờn vờn sương sớm”, “ấp iu nồng đượm” là những hình ảnh thân thuộc bắt đầu gợi lên những kỉ niệm xa xưa.
+ Những kỉ niệm về tình bà cháu: những khó khăn của tuổi thơ, những gian khó của cuộc sống, những hi sinh lớn lao của bà.
+ Nhắc đến bếp lửa là cháu nhớ đến bà và ngược lại khi nghĩ về bà, cháu luôn nhớ tới hình ảnh bếp lửa thân yêu: bếp lửa là hiện thân của tình thương, đức hi sinh của bà.
+ Lòng kính yêu, trân trọng và biết ơn của người cháu đối với bà cũng là đối với gia đình, quê hương, đất nước.
+ Bếp lửa trở thành điểm tựa, theo cháu đi suốt cuộc đời.
-> Hình ảnh bếp lửa xuyên suốt toàn bài, chính là hiện thân cho tình yêu, là chứng nhân cho quá khứ nghĩa tình, là động lực để người cháu lớn lên và mang theo những khát vọng đẹp.
* Chứng minh nhận định qua Chiếc lược ngà – Nguyễn Quang Sáng – Tình yêu cha của bé Thu là khiến người đọc trăn trở, suy nghĩ về tình cha con trong chiến tranh để từ đó có thể ý thức được nỗi đau chiến tranh.
+ Thu là một đứa trẻ hồn nhiên chân thật trong tình cảm, mãnh liệt trong tình yêu thương cha (Tuy có phần ương ngạnh, bướng bỉnh).
> Sự ương ngạnh của bé Thu hoàn toàn không đáng trách mà còn có phần đáng yêu. Đó là phản ứng tâm lý hoàn toàn tự nhiên của một đứa trẻ có cả tính mạnh mẽ. Trong hoàn cảnh xa cách và trắc trở của chiến tranh, nó còn quá bé nhỏ để có thể hiểu được những tình thế khắc nghiệt, éo le của đời sống và người lớn cũng không ai kịp chuẩn bị cho nó đón nhận những khả năng bất thường, nên nó không tin ông Sáu là ba chỉ vì trên mặt ông Sáu có thêm vết sẹo, khác với hình ba mà nó đã được biết. Cô bé không tin thậm chí còn ngờ vực. Cô bé không dễ tin người khác cả bạn của cha, cả mẹ xác nhận là cha nhưng không ai tháo gỡ được thắc mắc thầm kín trong lòng mình thì cô bé chưa chịu thông. Phản ứng tâm lý của em là hoàn toàn tự nhiên, nó còn chứng tỏ em có cá tính mạnh mẽ, tình cảm của em sâu sắc, chân thật, em chỉ yêu ba khi tin chắc đó đúng là ba. Chính cái thái độ quyết liệt ngang ngạnh đó lại là biểu hiện tuyệt vời của tình cảm người con dành cho cha người trong tấm hình chụp chung với má em, một tình yêu chân thực, sâu sắc và mãnh liệt.
-> Trong buổi sáng cuối cùng, trước giờ phút ông Sáu phải đi xa thì thái độ và hành động của bé Thu đã đột ngột, thay đổi hoàn toàn. Nó đã dành cho bà một tình cảm thật mãnh liệt. Nỗi nhớ mong với người cha xa cách đã bị dồn nén bấy lâu nay bùng ra thật mạnh mẽ và hối hả, cuống quýt, có xen lẫn cả sự hối hận. Giờ đây người cha sắp phải đi xa, xe mẹ, xa con và tiếp tục cuộc đời người lính gian khổ. Lần đầu tiên, Thu cất tiếng gọi “Ba” và tiếng kêu như tiếng “xé”, không còn là tiếng kêu biểu lộ sợ hãi mà là tiếng nói của tình yêu thương ruột thịt. Rồi nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thốt lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó, nó hôn lên ba nó cùng khắp, hôn cả vết thẹo dài trên mả như để nhận lỗi. Hai tay nó siết chặt lấy cổ, chắc nó nghĩ hai tay không thể giữ được ba nó, nó dang cả hai chân rồi cấu chặt lấy ba nó, và đôi vai nhỏ bé của nó run run. Thì ra trong đêm bỏ về nhà bà ngoại, Thu đã được bà giải thích về vết thẹo làm thay đổi khuôn mặt ba nó. Sự nghi ngờ bấy lâu đã được giải tỏa và ở Thu nảy sinh một trạng thái như là sự ân hận, hối tiếc: “nghe bà kể nó nằm im, lăn lộn và thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn”. Giờ đây cô mới vỡ lẽ ra người cha của cô thật đẹp và thật anh hùng. Cô bé không chỉ yêu cha, thương cha mà còn tự hào về cha.
-> Hình ảnh bé Thu và tình yêu cha sâu sắc của Thu đã gây xúc động mạnh trong lòng người đọc, để lại những ấn tượng sâu sắc. Tình cảm cha con trong chiến tranh có những xa cách, trắc trở nhưng rất thiêng liêng và sâu sắc. Người đọc thực sự xúc động về tình cảm của họ nhưng không khỏi có những trăn trở suy ngẫm.
– Chính tình yêu cha mãnh liệt đã là điểm tựa, động lực khiến Thu trưởng thành trong tương lai, trở thành một người con gái mạnh mẽ, kiên cường, giống như cha, anh dũng chiến đấu, cống hiến để bảo vệ Tổ Quốc.
3. Kết bài:
– Khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật.
Nguồn: Ban chuyên môn của tuyensinh247.com.
Trên đây là nội dung đáp án đề thi vào 10 môn văn chuyên tỉnh Vĩnh Long năm 2021. Chúc các em luôn học tốt và đạt kết quả cao trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10 này.
Ngoài ra, Doctailieu mời các em tham khảo chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 Vĩnh Long cùng điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 Vĩnh Long qua các năm để đưa ra các lựa chọn nguyện vọng thật đúng đắn.