Đề thi thử THPT Quốc Gia

Đề thi thử THPT quốc gia 2021 môn Văn số 13 (có đáp án)

Mẫu tài liệu đề thi THPT quốc gia năm học 2020 – 2021 môn Văn đề số 13 dựa theo chuẩn cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT từng ra. Cùng Đọc tài liệu tham khảo đề thi thử thpt quốc gia 2021 và đối chiếu với đáp án phía dưới bạn nhé.

Đề thi thử THPT quốc gia 2021 môn Văn số 13

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

“Tôi học được rằng mọi thứ chỉ thay đổi khi chính tôi thay đổi.

Đừng nói: “Nếu đã có thể thì tôi đã làm rồi,” mà hãy nói: “Nếu có thể thì tôi sẽ làm.” Đôi khi, việc bạn chọn cái nào không quan trọng. Quan trọng là bạn phải chọn! Bạn không thể tiến lên nếu không chịu đưa ra quyết định.

Chúng ta thường thay đổi bản thân vì một trong hai lý do: niềm cảm hứng hoặc nỗi tuyệt vọng. Nếu không thích hiện tại thì hãy thay đổi nó! Bạn đâu phải một cái cây. Một trong những cách tốt nhất để bắt đầu thay đổi cuộc đời là làm bất cứ điều gì xuất hiện ở danh sách “Tôi nên làm” trong tâm trí bạn. Mọi dạng thức sống đều nỗ lực vươn tới cực hạn ngoại trừ con người. Một cái cây sẽ mọc cao đến chừng nào? Cao đến hết mức có thể. Trong khi đó, con người lại được trao đặc quyền chọn lựa. Bạn có thể chọn là tất cả hoặc ít hơn. Vậy sao không nỗ lực đến cực hạn trước các thức thức và xem mình có thể làm được những gì.

Đôi khi quá trình ra quyết định giống như một cuộc chiến nội tâm. Đích đến của bạn không thể thay đổi sau một đêm, nhưng hướng đi đến đó thì có thể đấy! Sự thiếu quyết đoán là kẻ đánh cắp những cơ hội”.

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Theo tác giả, đâu là điều kiện giúp con người tiến lên ?

Câu 2. Theo anh / chị, vì sao “Đôi khi quá trình ra quyết định giống như một cuộc chiến nội tâm” ?

Câu 3. Anh / chị hiểu như thế nào về câu nói: “Sự thiếu quyết đoán là kẻ đánh cắp những cơ hội” ?

Câu 4. Anh / chị có đồng tình với quan niệm của tác giả khi ông cho rằng: con người thường thay đổi bản thân khi có niềm cảm hứng hoặc nỗi tuyệt vọng không ? Lí giải vì sao ?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh / chị về vấn đề: Mọi thứ chỉ thay đổi khi chính bạn thay đổi.

Câu 2 (5 điểm)

Trong “Vợ nhặt” của Kim Lân và “Chí Phèo” của Nam Cao, ta thấy có một sự gặp gỡ thú vị, rằng những kẻ khờ khạo nhất lại chính là những kẻ sống “NGƯỜI” nhất.

Bằng hiều biết của anh / chị về hai hình tượng nhân vật Tràng và Thị Nở, hãy bàn luận về nhận định trên.

Đáp án đề thi thử THPT quốc gia 2021 môn Văn số 13

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

1. Theo tác giả, điều kiện giúp con người tiến lên là đưa ra quyết định

2. Theo anh / chị, vì sao “Đôi khi quá trình ra quyết định giống như một cuộc chiến nội tâm” ?

– Trong cuộc đời, có những quyết định có thể làm thay đổi hướng đi của cuộc đời, vì vậy chúng ta sẽ phải cân nhắc, tính toán xem quyết định đó là đúng hay sai, có pù hợp với mình hay không

– Khi đưa ra quyết định, chúng ta cũng sẽ bị tác động bởi rất nhiều luồng dư luận, do vậy, chúng ta phải xem xét xem đó có thực sự là điều mình mong muốn

=> Do vậy, đó thực sự là một cuộc chiến nội tâm

3. Anh / chị hiểu như thế nào về câu nói: “Sự thiếu quyết đoán là kẻ đánh cắp những cơ hội” ?

– Thiếu quyết đoán có nghĩa là việc chúng ta không dám mạnh dạn đưa ra quyết định. Thay vào đó, chúng ta lại lưỡng lự, chần chừ, do dự.

– Chính sự do dự này có thể sẽ làm cho cơ hội thuận lợi trôi qua, mà một khi cơ hội đã trôi qua thì chúng ta không thể lấy lại được.

4. Anh / chị có đồng tình với quan niệm của tác giả khi ông cho rằng: con người thường thay đổi bản thân khi có niềm cảm hứng hoặc nỗi tuyệt vọng không ? Lí giải vì sao ?

Thí sinh tự do bày tỏ quan điểm, miễn có lí giải phù hợp. Tham khảo:

– Đồng tình.

– Vì:

+ Khi có niềm cảm hứng, chúng ta cảm thấy mình có đủ tự tin để thực hiện một sự thay đổi. Niềm cảm hứng đem đến động lực, sức mạnh để con người sẵn sàng từ bỏ những cái cũ, tạo lập những cái mới.

+ Khi có nỗi tuyệt vọng, con người thường rơi vào hai trạng thái, hoặc là bi quan, muốn vứt bỏ tất cả, dẫn đến thay đổi theo hướng tiêu cực; hoặc là cố gắng vùng vẫy, để rồi đứng lên, thay đổi mình theo hướng tích cực để chiến thắng hoàn cảnh.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh / chị về vấn đề: Mọi thứ chỉ thay đổi khi chính bạn thay đổi.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích, song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề mà đề bài yêu cầu. Có thể theo hướng sau:

– Sự thay đổi là một cánh cửa mà bạn chỉ có thể mở nó từ bên trong, có nghĩa là, trên đời này, chỉ có một thứ bạn có thể thay đổi, đó chính là con người bạn. Bạn không thể thay đổi được người khác, cũng không thể bắt buộc hoàn cảnh thay đổi theo bạn. Những con người xung quanh bạn chỉ có thể thay đổi nếu họ thực sự muốn thay đổi mà thôi.

– Bạn trở thành người như thế nào, cuộc sống của bạn ra sao, hoàn cảnh xung quanh trở nên tích cực hay tiêu cực phần lớn đều xuất phát từ chính cách nhìn của bạn.

– Do vậy, nếu muốn mọi thứ trở nên tích cực, thì chính bạn phải thay đổi theo hướng tích cực.

– Ngược lại, khi bạn thay đổi theo hướng tiêu cực, thì mọi thứ cũng có chiều hướng trở nên đen tối, bế tắc hơn.

– Cần phê phán những con người luôn muốn thay đổi người khác nhưng lại không chịu thay đổi chính bản thân mình.

v.v…

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo:

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2 (5,0 điểm)

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề; thân bài triển khai được vấn đề; kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

c. Triển khai vấn đề nghị luận:

1. Khái quát:

– Tác giả Nam Cao và “Chí Phèo”

– Tác giả Kim Lân và “Vợ nhặt”

2. Chứng minh:

2.1. Thị Nở và Tràng đều là những con người có ngoại hình xấu, ngờ nghệch

– Nhân vật Thị Nở : “ngẩn ngơ như những người đần trong cổ tích và xấu ma chê quỷ hớn”

– Nhân vật Tràng: thì có ngoại hình xấu xí, thô kệch, “hai con mắt nhỏ tí”, “hai bên quai hàm bạnh ra”, thân hình to lớn vập vạp, trí tuệ ngờ nghệch, vụng về …

2.2. Nhưng Thị Nợ và Tràng lại sống rất người:

a. Thị Nở đã dùng tình thương để đối đãi với Chí Phèo:

– Trong làng Vũ Đại, chỉ có Thị Nở là người không coi Chí là con quỷ dữ cần xa lánh: Thị vẫn đi con đường cũ để ra sông kín nước, dù con đường ấy chạy qua căn lều của Chí; thậm chí có hôm Thị còn vào tận lều của Chí để xin rượu bóp chân

– Thị là người đã quan tâm đến Chí khi Chí đau ốm: nấu cháo hành mang qua cho Chí, không hề bận tâm đến hình ảnh con người của Chí trong hiện tại. Thị chỉ nghĩ đơn giản: Chí đang ốm, cần sự chăm sóc, cần ăn cháo hành

– Thị đã quan tâm đến Chí lúc Chí cô độc: thị nghĩ Chí đáng thương, còn gì đáng thương hơn là khi ốm đau lại phải nằm còng queo một mình. => Thị yêu Chí, đó hoàn toàn không phải là thứ tình yêu mang màu sắc vụ lợi, vì Chí đâu có gì, thậm chí là một con số âm. Quả thật, cách hành xử của Thị Nở, một người đàn bà dở hơi, lại rất xứng đáng với chữ NGƯỜI viết hoa.

b. Tràng đã dùng tình người để đối đãi với người vợ nhặt

– Người đàn bà bị nạn đói bóp méo cả nhân hình lẫn nhân tính, nhưng Tràng vẫn hành xử một cách rất đáng trân trọng, không có một chút mảy may do dự và tính toán: mời người đàn bà ăn. Cử chỉ ấy thật là hào hiệp, nghĩa tình vì đây là miếng ăn giữa ngày đói, nó xuất phát từ tình thương (người ta đang đói), từ ân nghĩa (người ta đã từng giúp mình), từ chữ tín (mình đã từng hứa).

– Ngay cả hành động chậc lưỡi để đồng ý cho người đàn bà này theo mình về nhà cũng phản ánh một cách hành xử rất người: người ta đang không nơi nương tựa, đang cần mình, và thú thực thì mình cũng đang cần họ. Nếu chỉ cần một chút so đo tính toán xen vào đoạn độc thoại nội tâm này, Tràng sẽ không còn là Tràng nữa

3. Đánh giá

– Nhìn qua hành động của Tràng và Thị Nở, nếu dùng lí trí của con người “khôn ngoan”, chúng ta có thể có một chút mỉm cười thương hại, thậm chí mỉa mai, giễu cợt

– Nhưng nếu xét kĩ, chúng ta lại cảm thấy vô cùng xấu hổ, vì chúng ta, vốn mang danh là những con người “khôn ngoan”, nếu rơi vào những hoàn cảnh ấy, lại có thể sẽ hành xử không NGƯỜI một chút nào. Cổ nhân nói người hiền thường trông như kẻ ngu là vậy

– Thông qua hai nhân vật, ta thấy cả hai nhà văn đều có những quan niệm nhân đạo vô cùng sâu sắc: giữa cái xã hội đầy rẫy những kẻ tự xưng là người này, thực ra cái gọi là tình người lại hiếm hoi biết bao nhiêu; và đừng bao giờ đánh bóng tô son lòng nhân đạo, thực ra nhân đạo chỉ là “lòng tốt bình thường” mà con người cần có khi đối đãi với nhau.

4. Khái quát chung về nhân vật, tác giả và tác phẩm.

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Nguồn đề thi: Thầy Tạ Xuân Hải

-/-

Kết thúc đề thi thử THPT quốc gia môn Văn 2021 số 13 theo cấu trúc chuẩn của Bộ Giáo dục tại đây. Các em có thể tham khảo thêm đề thi thử thpt quốc gia 2021 môn văn của các tỉnh khác trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục.

Chúc các em một kì thi đạt kết quả cao nhất!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button