Bạn muốn tìm tài liệu đề thi thử tốt nghiệp thpt 2021 môn văn để thử sức mình? Hãy cùng chúng tôi tham khảo đề thi thử văn mẫu số 24 dựa theo chuẩn cấu trúc đề thi môn văn của Bộ GD&ĐT đã ra.
Cùng Đọc tài liệu tham khảo đề thi thử tốt nghiệp thpt 2021 này:
Đề thi thử thpt quốc gia 2021 môn văn số 24
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:
Sáu con người, do sự tình cờ của số phận, mắc kẹt vào cùng một cái hang rất tối và lạnh. Mỗi người chỉ còn một que củi nhỏ trong khi đống lửa chính đang lụi dần.
Người phụ nữ đầu tiên định quẳng que củi vào lửa, nhưng đột nhiên rụt tay lại. Bà vừa nhìn thấy một khuôn mặt da đen trong nhóm người da trắng. Người thứ hai lướt qua các bộ mặt quanh đống lửa, thấy một người trong số đó không đi chung nhà thờ với ông ta. Vậy là thanh củi cũng bị thu về. Người thứ ba trầm ngâm trong một bộ quần áo nhàu nát. Ông ta kéo áo lên tận cổ, nhìn người đối diện, nghĩ thầm:“Tại sao mình lại phải hi sinh thanh củi để sưởi ấm cho con heo béo ị giàu có kia?”. Người đàn ông giàu lui lại một chút, nhẩm tính: “Thanh củi trong tay, phải khó nhọc lắm mới kiếm được, tại sao ta phải chia sẻ nó với tên khố rách áo ôm lười biếng đó?”. Ánh lửa bùng lên một lần cuối, soi rõ khuôn mặt người da đen đang đanh lại, lộ ra những nét hằn thù: “Không, ta không cho phép mình dùng thanh củi này sưởi ấm những gã da trắng!”.
Chỉ còn lại người cuối cùng trong nhóm. Nhìn những người khác trầm ngâm trong im lặng, anh ta tự nhủ: “Mình sẽ cho thanh củi, nếu có ai đó ném phần của họ vào đống lửa trước.”
Cứ thế, đêm xuống dần. Sáu con người nhìn nhau căng thẳng, tay nắm chặt những que củi. Đống lửa chỉ còn than đỏ rồi lụi tắt. Sáng hôm sau, khi những người cứu hộ tới nơi, cả sáu đều đã chết cóng…
(Theo Quà tặng cuộc sống)
Câu 1. Kể tên các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên?
Câu 2. Người viết văn bản trên đã đặt các nhân vật vào một tình huống như thế nào? Ý nghĩa của cách tạo dựng tình huống đó?
Câu 3. Theo anh/chị, trong văn bản trên, có những nguyên nhân nào khiến cả sáu người chết cóng?
Câu 4. Hãy đặt tên cho văn bản.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về cách nghĩ và hành động của sáu con người trong câu chuyện trên.
Câu 2 (5,0 điểm)
Nhận xét về bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? của Hoàng Phủ Ngọc Tường, có ý kiến cho rằng: Từ thượng nguồn dòng chảy đến lúc đổ ra biển sông Hương đã đi với Huế cả một mối tình trọn vẹn.
Bằng việc cảm nhận vẻ đẹp của sông Hương qua thủy trình của nó, anh/chị hãy làm sáng tỏ nhận định trên.
Hết
Đáp án đề thi thử THPT quốc gia 2021 môn văn mẫu số 24
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu 1. Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản trên là: tự sự kết hợp với miêu tả và biểu cảm.
Câu 2. Các nhân vật bị đặt vào một tình huống đặc biệt:
– Sáu người bị mắc kẹt vào một cái hang, thời tiết lạnh lẽo, khắc nghiệt, đống lửa duy nhất lại đang tàn dần trong khi đó mỗi người đều đang sở hữu một que củi.
– Ý nghĩa của tình huống: Tình huống có tính chất thử thách các nhân vật, qua đó tính cách các nhân vật bộc lộ rõ nét: tất cả đều hẹp hòi, nhỏ nhen, ích kỉ, thiếu tình yêu thương đồng loại, thiếu tinh thần đoàn kết…
Câu 3. Nguyên nhân khiến sáu người chết cóng:
– Trước hết là vì hoàn cảnh khắc nghiệt: cái lạnh của hang đá làm họ kiệt sức.
– Tuy nhiên, nếu các nhân vật biết cách chia sẻ thanh củi của mình thì có lẽ họ đã không chết cóng. Họ không chỉ chết vì cái lạnh của hang đá mà còn chết vì chính cái lạnh từ tâm hồn họ. Đó là sự phân biệt chủng tộc, sự kì thị tôn giáo, sự phân biệt giàu nghèo… Nói cách khác là do lối sống hẹp hòi, ích kỉ, thiếu tình yêu thương đồng loại, thiếu tinh thần đoàn kết cộng đồng trong hoàn cảnh thử thách.
Câu 4. Thí sinh có thể đặt nhiều tiêu đề khác nhau những cần ngắn gọn, phù hợp với nội dung văn bản và gây được ấn tượng.
Ví dụ: Nơi lạnh nhất…
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Thí sinh viết một đoạn văn có dung lượng khoảng 200 chữ, đảm bảo đúng yêu cầu về nội dung và hình thức của một đoạn văn. Có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần có lập luận hợp lí, thuyết phục, bày tỏ quan điểm rõ ràng, không vi phạm các chuẩn mực đạo đức và quy định của pháp luật. Sau đây là gợi ý:
– Cách nghĩ và hành động của sáu con người trong câu chuyện trên thể hiện lối sống cá nhân, ích kỉ, thiếu tình thương, thiếu tinh thần đoàn kết, nhất là trong hoàn cảnh thử thách. Chính cách hành xử và lối sống ấy đã đẩy họ đến kết cục bi thảm.
– Để vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống thì ý chí, nghị lực của con người là chưa đủ, cần lắm tinh thần tập thể, ý thức đoàn kết cộng đồng, sự đồng cảm sẻ chia giữa người với người.
– Phê phán lối sống ích kỉ, định kiến, vô cảm.
Câu 2 (5,0 điểm)
a. Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận
– Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn gắn bó sâu sắc với Huế. Ông viết về Huế bằng tất cả tài năng và trái tim say đắm của mình.
– Ai dã đặt tên cho dòng sông? là bài bút kí xuất sắc, viết tại Huế, năm 1981 in trong tập sách cùng tên. Với cái nhìn tình tứ của một nghệ sĩ, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã diễn tả hành trình của sông Hương như một cuộc tìm kiếm người tình mong đợi, và từ thượng nguồn dòng chảy đến lúc đổ ra biển sông Hương đã đi với Huế cả một mối tình trọn vẹn
b. Phân tích, làm sáng tỏ nhận định
* Khái quát: Ngay từ dòng văn mở đầu đoạn trích, tác giả đã không dấu nổi niềm tự hào khi giới thiệu: Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ có sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất. Câu văn không chỉ nâng sông Hương lên sánh ngang với các dòng sông đẹp trên thế giới mà còn nhấn mạnh đặc điểm riêng biệt của dòng Hương: tạo hóa sinh ra sông Hương là để dành riêng cho Huế, chỉ cho Huế mà thôi. Đây cũng là ý tưởng bao trùm khi viết bài kí này của Hoàng Phủ Ngọc Tường: nhìn sông Hương và Huế như một cặp tình nhân lí tưởng, gắn bó với nhau trong một tình yêu muôn thuở.
Nếu như chẳng có dòng Hương
Câu thơ xứ Huế nửa đường đánh rơi
(Nếu như chẳng có sông Hương – Huy Tập)
* Sông Hương đã đi với Huế cả một mối tình trọn vẹn: có một điểm nhất quán trong cái nhìn của Hoàng Phủ Ngọc Tường khi miêu tả sông Hương đó là luôn nhìn dòng sông này như một người con gái với tình yêu tha thiết dành cho Huế.
– Ở thượng nguồn dòng chảy:
+ Sông Hương mang trong mình sức sống mãnh liệt như một bản trường ca của rừng già với tiết tấu khi thì hùng tráng dữ dội (rầm rộ giữa những bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như những cơn lốc vào những đáy vực bí ẩn), lúc lại dịu dàng và say đắm. Nhà văn đã so sánh sông Hương với một cô gái Di gan phóng khoáng và man dại, mang vẻ đẹp nguyên sơ, thuần khiết của núi rừng.
+ Tuy nhiên, sông Hương không chỉ mải mê với cảnh sắc thiên nhiên của đại ngàn Trường Sơn. Trong hành trình ở núi đồi nơi đây, sông Hương đã tích tụ cho mình một lượng phù sa lớn để đến khi rời khỏi rừng nó đã trở thành bà mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở. Có thể nói sẽ không thể có kinh thành Huế hôm nay nếu không nhờ dòng Hương chuyên chở phù sa, miệt mài bồi đắp qua bao thế kỉ.
+ Đặc biệt, ngay từ thượng nguồn dòng chảy, dù còn ở rất xa kinh thành Huế, sông Hương đã mang tâm hồn sâu thẳm của con người ở vùng đất cố đô: dòng sông hình như không muốn bộc lộ, đã đóng kín lại ở cửa rừng và ném chìa khóa trong những hang đá dưới chân núi Kim Phụng. Có lẽ vì thế mà ngay từ khi ra khỏi núi, sông Hương đã là một cô gái đầy bí ẩn và cuốn hút.
– Ở ngoại vi thành phố Huế:
+ Từ một cô gái Di gan phóng khoáng và man dại ở thượng nguồn, đến cánh đồng Châu Hóa, sông Hương đã trở thành người gái đẹp nằm ngủ mơ màng chờ người tình đến đánh thức. Cách so sánh đầy gợi cảm này đã lồng câu chuyện tình yêu nhuốm màu cổ tích vào mối quan hệ giữa sông Hương và Huế. Để rồi, hành trình của sông Hương như cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới nơi gặp thành phố tương lai của nó
+ Hành trình để tìm gặp người tình mong đợi của sông Hương cũng khá gian truân: dòng sông đã phải chuyển dòng một cách liên tục – vòng giữa khúc quanh đột ngột – uốn mình theo những đường cong thật mềm, đã phải vượt qua bao núi đồi, vực thẳm…
+ Qua hành trình ấy, sông Hương lại có những vẻ đẹp mới: với màu sắc trẻ trung (trở nên xanh thẳm, sớm xanh, trưa vàng, chiều tím) như sức trẻ và niềm khao khát của tuổi thanh xuân. Đặc biệt là vẻ đẹp trầm mặc… như triết lí, như cổ thi mang chiều sâu tâm linh của cảnh sắc và con người Huế.
– Về đến Huế:
+ Nhìn thấy Huế từ xa, Sông Hương vui tươi hẳn lên như một người con gái đã tìm được người tình mà nó hằng mong đợi. Đến khi giáp mặt thành phố sông Hương uốn một cánh cung thật nhẹ khiến dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu. Cách so sánh độc đáo khiến người đọc liên tưởng đến hình ảnh các cô gái Huế e lệ, kín đáo, dịu dàng.
+ Đi giữa lòng thành phố thân yêu, sông Hương trôi đi chậm, thực chậm, cơ hồ chỉ còn là một mặt hồ yên tĩnh, nhà văn gọi đó là điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế. Có lẽ bởi vì quá yên mến thành phố Huế mà sông Hương không nỡ rời xa.
+ Không chỉ yêu mến, sông Hương còn dâng tặng Huế tất cả vẻ đẹp thơ mộng của mình, để rồi nó trở thành người tài nữ đánh đàn lúc đêm khuya. Như vậy, sông Hương từng là bà mẹ phù sa đem màu mỡ cho đất đai nuôi sống con người, nay sông Hương lại sản sinh ra âm nhạc để bồi đắp tâm hồn con người. Tình cảm của người gái đẹp sông Hương dành cho Huế thật sâu đậm biết bao!
– Khi chi tay Huế để về biển cả: đang chảy theo hướng chính bắc, sông Hương đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ. Nhà văn gọi đó là nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu, như Thúy Kiều chí tình trở lại tìm Kim Trọng của nó, để nói một lời thề trước khi về biển cả. Cuộc chia tay giữa sông Hương với Huế cũng dùng dằng, nấn ná, đầy lưu luyến như một cặp tình nhân.
=> Đến đây, sông Hương đã đi với Huế cả một mối tình trọn vẹn, một mối tình đầy tâm trạng, đầy cảm xúc, một mối tình có đầu có cuối, có thủy có chung.
c. Đánh giá chung:
– Dưới cái nhìn lãng mạn của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương không chỉ là một dòng sông đơn thuần mà còn gắn bó với Huế như một cặp tình nhân chung thủy. Qua bài kí, tác giả thể hiện tình yêu tha thiết với mảnh đất mà ông gắn bó. Tình yêu Huế từ thâm căn cốt tủy đã chảy thành những dòng văn vừa đẹp, vừa sang, vừa tha thiết khiến ai chưa một lần đến Huế cũng có thể cảm nhận được vẻ đẹp độc đáo của Hương giang.
– Vốn ngôn ngữ phong phú, tài hoa, giàu chất thơ kết hợp với trí tưởng tượng phóng khoáng đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của bài kí và cũng là nét riêng trong nghệ thuật viết kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
-/-
Nguồn đề: CLB HSG Hà Nội
Vậy là Đọc tài liệu đã giới thiệu thêm một mẫu đề thi thử môn Văn 2021 số 24 có đáp án theo cấu trúc chuẩn của Bộ Giáo dục tại đây. Các em có thể tham khảo thêm nhiều đề thi thử thpt quốc gia 2021 môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục.
Chúc các em một kì thi đạt kết quả cao nhất!